Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Tổng hợp ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư quy định về quản lý giống vật nuôi
06/11/2015 22:08' Gửi bài này In bài này
  1. Điều kiện về địa điểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi (Điều 5)Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định thì doanh nghiệp phải đáp ứng được điều kiện về khoảng cách tối thiểu giữa khu chăn nuôi với trường học, bệnh viện, khu dân cư, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường giao thông chính, nguồn nước mặt.Quy định này dường như chưa phù hợp với Pháp lệnh giống vật nuôi (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh), bởi điểm b khoản 1 Điều 19 Pháp lệnh yêu cầu điều kiện về địa điểm là “phù hợp với quy hoạch của ngành Nông nghiệp, ngành Thủy sản” mà không quy định cứng về khoảng cách tối thiểu của địa điểm này.

    Do đó, đề  nghị Ban soạn thảo bỏ quy định yêu cầu về khoảng cách tối thiểu về địa điểm sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi trên.

  2. Nhãn giống vật nuôi (Điều 8)Khoản 2 Điều 8 Dự thảo quy định một loạt các nội dung cần ghi trên nhãn áp dụng cho các loại giống vật nuôi có bao bì. Tuy nhiên, so với quy định tại khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh, thì quy định tại Điều 8.2 yêu cầu thêm 2 nội dung mới không có trong Pháp lệnh là “Hồ sơ kiểm dịch” (điểm đ) và “Bản công bố tiêu chuẩn cơ sở (bản sao)” (điểm e)Hơn nữa, quy định tại Dự thảo cũng chưa rõ ở điểm: nhãn của các sản phẩm này thể hiện nội dung gì của “Hồ sơ kiểm dịch” và “Bản công bố tiêu chuẩn cơ sở”, trong khi có rất nhiều nội dung của hai tài liệu này? Tại sao quy định về “Bản công bố tiêu chuẩn cơ sở” lại có nội dung là “(bản sao)” (về logic thì đây là các nội dung ghi trên nhãn, không liên quan tới “bản sao” hay “bản gốc” nào cả).

    Vì vậy, để đảm bảo tính thống nhất với Pháp lệnh, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại điểm đ, e khoản 2 Điều 7 Dự thảo, tức là bỏ nội dung “Hồ sơ kiểm dịch”, “Bản công bố tiêu chuẩn cơ sở (bản sao)” trong nội dung chính ghi trên nhãn.

  3. Thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (Điều 11)Điểm b khoản 1 Điều 11 Dự thảo quy định trong Hồ sơ đăng ký công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm phải có “Bản thuyết minh điều kiện thực hiện khảo nghiệm giống vật nuôi” và Phụ lục V có quy định các nội dung trong Bản thuyết minh này.So với phiên bản Dự thảo tháng 01/2015 thì nội dung trong Bản thuyết minh đã chi tiết hơn về điều kiện về địa điểm, tuy nhiên liên quan đến nội dung về điều kiện “cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật” vẫn chưa đủ rõ ràng, cụ thể. Quy định “có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cần thiết, phù hợp với việc khảo nghiệm từng loại vật nuôi và từng cấp giống” là khá chung chung, có thể sẽ tạo cách hiểu không thống nhất giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vì không rõ tiêu chí nào để đánh giá sự phù hợp và cần thiết của cơ sở vật chất, trang thiết bị với hoạt động khảo nghiệm.

    Hơn nữa, Phụ lục V còn yêu cầu doanh nghiệp điền nội dung về “điều kiện kinh tế, xã hội khu vực xung quanh cơ sở khảo nghiệm” và “Điều kiện an ninh trật tự khu vực xung quanh cơ sở khảo nghiệm” là chưa hợp lý, bởi những nội dung này không liên quan tới các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng khi hoạt động khảo nghiệm theo quy định của Pháp lệnh. Mặt khác, khảo nghiệm không phải là ngành nghề kinh doanh có yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, vì vậy không rõ mục tiêu của việc yêu cầu phải kê khai nội dung này trong Bản thuyết minh điều kiện thực hiện khảo nghiệm giống vật nuôi để làm gì? Hơn nữa, ngay cả khi tình hình xã hội, trật tự an ninh khu vực xung quanh là có liên quan tới điều kiện hoạt động khảo nghiệm thì việc miêu tả “điều kiện kinh tế – xã hội”, “an ninh trật tự” cũng là quá chung chung, mơ hồ, không rõ phải miêu tả những gì, ở mức độ nào, tính xác thực ra sao.

    Để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo

    – Quy định rõ các điều kiện về cơ sở vật chất mà doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc dẫn chiếu tới tiêu chuẩn về vấn đề này quy định tại văn bản khác;

    – Bỏ 2 nội dung về “Điều kiện kinh tế, xã hội khu vực xung quanh cơ sở khảo nghiệm” và “Điều kiện an ninh trật tự khu vực xung quanh cơ sở khảo nghiệm” trong Phụ lục V.

  4. Thủ tục khảo nghiệm giống vật nuôi (Điều 13)
  1. Về Hồ sơ khảo nghiệmSo với phiên bản Dự thảo tháng 01/2015 thì về Hồ sơ khảo nghiệm, Ban soạn thảo đã bỏ yêu cầu “Hợp đồng giữa tổ chức, cá nhân đăng ký khảo nghiệm với cơ sở khảo nghiệm đã được Cục Chăn nuôi công nhận hoặc chỉ định (sau khi đề cương khảo nghiệm đã được phê duyệt)” nhưng vẫn giữ yêu cầu về “Đề cương khảo nghiệm giống vật nuôi” và có bổ sung Phụ lục quy định các nội dung trong Đề cương này.Trong bản góp ý trước, VCCI có đề nghị bỏ yêu cầu Đề cương khảo nghiệm vì lý do:
  • Tính thống nhất: khoản 3 Điều 15 Pháp lệnh không yêu cầu trong Hồ sơ khảo nghiệm phải có Đề cương khảo nghiệm. Việc yêu cầu phải xét duyệt Đề cương thực chất là một loại của điều kiện kinh doanh và theo quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, văn bản cấp Bộ (Thông tư) không được phép quy định về điều kiện kinh doanh.
  • Không rõ về mục tiêu kiểm soát Đề cương khảo nghiệm là gì?Mặt khác, một số nội dung trong Đề cương trong Phụ lục VII dường như là chưa phù hợp, cụ thể: yêu cầu nội dung là “Dự toán kinh phí khảo nghiệm”, “Tiến độ khảo nghiệm”. Đây là những nội dung thuộc về thỏa thuận giữa doanh nghiệp có giống khảo nghiệm và cơ sở khảo nghiệm và ít có liên quan đến chất lượng của khảo nghiệm – nếu mục tiêu quản lý nhà nước trong việc yêu cầu doanh nghiệp phải nộp Đề cương này là để kiểm soát chất lượng khảo nghiệm giống.VCCI vẫn bảo lưu đề xuất bỏ yêu cầu phải có Đề cương khảo nghiệm giống vật nuôi trong Hồ sơ khảo nghiệm (tức là bỏ điểm b khoản 1 Điều 13). Và nếu có giải trình hợp lý về việc giữ tài liệu này trong Hồ sơ, thì đề nghị bỏ những nội dung trong Đề cương tại Phục lục VII có tính chất thỏa thuận giữa các doanh nghiệp.
  1. Về thẩm quyền quyết định đồng ý/không đồng ý đăng ký khảo nghiệmDự thảo lần này vẫn giữ trình tự giải quyết thủ tục đăng ký khảo nghiệm như Dự thảo tháng 01/2015 theo hai cấp xét duyệt: Cục Chăn nuôi sẽ thẩm định Đề cương khảo nghiệm và Bộ trưởng sẽ cho ý kiến trước khi Cục quyết định đồng ý hoặc không đồng ý với Đề cương khảo nghiệm (chỉ có thay đổi về cấp ra quyết định: là Cục thay vì Bộ trưởng)..VCCI cho rằng, việc cần phải xin ý kiến của Bộ trưởng cho mỗi lần xét duyệt Đề cương khảo nghiệm là chưa hợp lý bởi:
  • Không rõ mục tiêu của thủ tục xin phép ý kiến của Bộ trưởng sau khi Cục Chăn nuôi, cơ quan chuyên môn, quản lý trong lĩnh vực giống vật nuôi, đã tiến hành thẩm định Hồ sơ (và chính Cục là đơn vị tham mưu về chuyên môn, ý kiến của Bộ trưởng, nếu có, chắc chắn vẫn phải do Cục tham mưu).
  • Căn cứ để Bộ trưởng cho ý kiến là gì?
  • Trách nhiệm thuộc về ai nếu như có sự phê duyệt sai về Đề cương khảo nghiệm?
  • Bộ trưởng có nên và có cần tham gia ý kiến vào những hồ sơ về những vấn đề nhỏ này không, có nguy cơ gây quá tải công việc cho Bộ trưởng không (chú ý rằng ở đây mới là khảo nghiệm giống vật nuôi mới, chứ không phải là cho phép hay không cho phép sản xuất, chăn nuôi trên diện rộng giống vật nuôi mới).Từ những lý do trên, VCCI vẫn bảo lưu ý kiến trước đây, đề nghị Ban soạn thảo bỏ bước trình xin ý kiến Bộ trưởng cho việc này.
  1. Thủ tục công nhận giống vật nuôi (Điều 14)Đối với công nhận giống vật nuôi bản địa đang được nuôi phổ biến, quy định tại Dự thảo chưa làm rõ vấn đề sau: Để được công nhận giống vật nuôi trong trường hợp này, phải tiến hành thủ tục nào? Theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo thì thủ tục để công nhận giống vật nuôi bản địa đang được nuôi phổ biến theo một quy trình khác với quy trình công nhận giống vật nuôi chung quy định tại khoản 1, 2 Điều 14 (trong thủ tục ngoài căn cứ đề xuất phải kèm theo báo cáo kết quả triển khai trong thực tế, trong khi theo thủ tục chung phải có Báo cáo kết quả khảo nghiệm của cơ sở khảo nghiệm giống vật nuôi).Để tạo thuận lợi khi thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trình tự thủ tục công nhận giống vật nuôi bản địa đang được nuôi phổ biến và thích nghi ở một số vùng, địa phương quy định tại khoản 3 Điều 14 Dự thảo.
  2. Quảng cáo giống vật nuôi (Điều 16)

Liên quan đến quy định về quảng cáo giống vật nuôi, quy định tại Dự thảo có một số điểm chưa thống nhất và chưa rõ ràng, cụ thể:

  • Xác nhận chất lượng quảng cáo hay là xác nhận nội dung quảng cáo?Khoản 2 Điều 16 đang quy định trình tự thủ tục để xác nhận chất lượng quảng cáo, điều này là chưa chính xác và chưa phù hợp với pháp luật về quảng cáo. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo thì đối với quảng cáo giống vật nuôi, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xin “xác nhận nội dung quảng cáo” ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Như vậy, cơ quan nhà nước quản lý chuyển ngành chỉ xác nhận về nội dung quảng cáo của doanh nghiệp có phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp công bố, chứ không phải là xem xét hay phê duyệt chất lượng của quảng cáo. Mà trên thực tế thì một quảng cáo hay hay dở về chất lượng không cần và cũng không thể xác nhận bởi cơ quan Nhà nước được, bởi đây là câu chuyện của thị trường.Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo thành thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo;
  • Khoản 2 Điều 16 Dự thảo quy định “Tổ chức, cá nhân đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này có nhu cầu xác nhận chất lượng quảng cáo giống vật nuôi, gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Chăn nuôi”, điều này được hiểu thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo có tính chất tự nguyện, trong khi theo quy định tại Điều 11, 13 Nghị định 181/2013 thì đây lại là nghĩa vụ của các tổ chức sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi.

Vì vậy, để đảm bảo thống nhất và rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi phải thực hiện thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện việc quảng cáo sản phẩm.