Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Góp ý đối với Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi
27/07/2016 23:58' Gửi bài này In bài này
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau (góp ý theo Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi) ngày 17/3/2016 – phiên bản trình Quốc hội cho ý kiến).

  1. Về tên của Nghị định Thứ nhất, tên Dự thảo hiện nay là “Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế đối với các trường hợp miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế” có thể được hiểu là nội dung bao gồm 2 phần:
  •          Quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Luật thuế XNK);
  •          Thủ tục quản lý thuế đối với miễn/giảm/hoàn thuế.Tuy nhiên, nội dung của Nghị định có 3 chương: Chương I là quy định chung, Chương II là về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế Chương III là Điều khoản thi hành, không hướng dẫn chi tiết thêm nội dung khác.

    Luật quản lý thuế (Điều 4. Nguyên tắc quản lý thuế) quy định: 2. Việc quản lý thuế được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” Như vậy, nội dung quản lý thuế được hiểu là sẽ lồng ghép vào các quy định ở các Luật chuyên ngành. Vì vậy, không cần thiết phải có cụm “và hướng dẫn thủ tục quản lý thuế” nữa.

    Thứ hai, các tài liệu đi kèm như Tờ trình Chính phủ, Báo cáo tổng kết thi hành, Báo cáo đánh giá tác động đều ghi tên Dự thảo là Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Điều này gây nhầm lẫn đây là Nghị định hướng dẫn chung Luật thuế XNK (sửa đổi) trong khi nội dung chỉ quy định về miễn, giảm, hoàn thuế.

    Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa tên Nghị định cho chính xác, ngắn gọn và thống nhất (ở tất cả các tài liệu kèm theo) thành: “Quy định chi tiết một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế”. Đồng thời, trình bày các Chương, Điều cho hợp lý hơn, có thể theo hướng chia nhỏ Chương II thành 3 Chương riêng về miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và tách các Điều quá dài thành các Điều nhỏ hơn, tạo thuận tiện cho việc tra cứu, áp dụng.

    1. Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhấtKhoản 5 Điều 7 Dự thảo quy định: “Trường hợp quà biếu, quà tặng là thuốc cấp cứu, thiết bị y tế cho người bị bệnh nặng hoặc người bị thiên tai, tai nạn có trị giá không quá 10.000.000đ thì được miễn các loại thuế”. Tuy nhiên, nội dung này có phần trùng lắp với quy định tại khoản 3b Điều 7 về hàng hóa là quà biếu, quà tặng mang mục đích nhân đạo, từ thiện. Trong khi đó, 2 khoản này lại có hạn mức được miễn thuế khác nhau, sẽ gây khó khăn trong áp dụng.

      Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa quy định để loại trừ quy định tại một trong hai khoản nói trên để bảo đảm tính thống nhất.

    2. Một số quy định chưa bảo đảm tính hợp lý/ sắp xếp vị trí chưa phù hợp
  1.  Về các trường hợp miễn thuế (Điều 9)
  •          Khoản 7 quy định: “Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp sau: hàng mẫu; ảnh… ấn phẩm quảng cáo. Ấn phẩm quảng cáo quy định tại khoản này bao gồm tờ rơi, catalog thương mại… được dùng để quảng báo, công bố hay quảng cáo một hàng hóa hoặc dịch vụ và được cung cấp miễn phí chỉ được miễn thuế đơn chiếc, mỗi loại một bản.” Quy định này có một số vấn đề như sau:
    • +       Bản chất các hàng hóa này là phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (chỉ không được bán, nhưng vẫn dùng để trưng bày, làm mẫu), vì vậy, yếu tố “không có tính chất thương mại” không thực sự phù hợp;
    • +       Riêng catalog thì được “có tính chất thương mại” còn các sản phẩm khác thì không, như vậy, ngay trong một khoản đã có mâu thuẫn. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?
    • +       Không rõ điều kiện “được cung cấp miễn phí” có nghĩa là gì? Ai cung cấp và cung cấp cho ai? Trên thực tế, nếu là cung cấp miễn phí thì thường là catalog và tờ rơi với số lượng lớn. Tuy nhiên, theo Dự thảo thì chỉ được miễn thuế đơn chiếc, mỗi loại một bản. Trong khi đó, Dự thảo Luật cho phép miễn thuế đối với số lượng nhỏ (nhỏ không có nghĩa là 1 bản). Như vậy quy định trên là không hợp lý;
    • +       Thủ tục để doanh nghiệp thực hiện quy định này chưa rõ ràng: Ví dụ doanh nghiệp mua hàng từ nước ngoài về để trưng bày thì chứng minh như thế nào để được miễn thuế? Sau khi miễn thuế thì có được bán lại hàng này hay không?Đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi quy định này để tạo cách hiểu thống nhất. Bỏ cụm “không nhằm mục đích thương mại” (ngay trong Dự thảo Luật), đồng thời quy định cụ thể thế nào là nhỏ, chứ không giới hạn ở 01 bản.
  •          Khoản 4d quy định: “Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu, nếu sản phẩm thực xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế thì không phải nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư tương ứng với số hàng hoá thực tế xuất khẩu.” Dự thảo Luật hiện tại không quy định rõ thời hạn nộp thuế riêng với trường hợp này, nhưng với hàng hóa nói chung thì Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.Như vậy, việc giới hạn thời gian không có nhiều ý nghĩa. Miễn là thực tế doanh nghiệp có xuất khẩu thì chắc chắn họ sẽ được miễn thuế bởi chỉ cần nộp hồ sơ xin miễn thuế trước khi xuất khẩu là được.

    Do đó, đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “trong thời hạn nộp thuế” để bảo đảm tính hợp lý của quy định.

  •          Khoản 21 đ.2 quy định: “… Dự án ưu đãi đầu tư không được nhập khẩu hàng hóa thay thế cho hàng hóa đi thuê tài chính đã được miễn thuế nhập khẩu.” Ở đây chưa rõ lý do vì sao không cho phép dự án ưu đãi đầu tư được nhập khẩu hàng hóa thay thế cho hàng hóa đi thuê tài chính? Trong khi thực tế không thể tránh khỏi hàng hóa bị hỏng dẫn đến không thể tiếp tục sử dụng được hoặc thay đổi về công nghệ sản xuất, kỹ thuật dẫn đến phải thay đổi máy móc, dây chuyền công nghệ… thì việc cấm này làm hạn chế quyền của doanh nghiệp.Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định trên để bảo đảm tính hợp lý và khả thi.
    1.  Về hồ sơ miễn thuế (Điều 12):Điều 12 Dự thảo quy định về Hồ sơ miễn thuế nhưng điểm c Khoản 2 lại quy định: “Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, phải có thêm:… Số tiền thuế nhập khẩu yêu cầu hoàn” là không hợp lý.

      Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi lại cho phù hợp.

    2.  Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giảm thuế (Điều 17):Điều 17 (trước Điều 18) Dự thảo quy định “Chi cục trưởng Chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan có thẩm quyền quyết định xét giảm thuế”.

      Trong khi đó, Điều 18 Dự thảo Luật thuế XNK quy định: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang trong quá trình giám sát của cơ quan hải quan nếu bị hư hỏng, mất mát được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định chứng nhận thì được giảm thuế.”, nghĩa là một khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ theo quy định thì đương nhiên được giảm thuế.

      Nếu quy định như Dự thảo thì ngay cả trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện để được giảm thuế cũng chưa chắc được giảm vì còn phải chờ việc “xét” của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan. Cũng không rõ Chi cục trưởng sẽ dựa vào các tiêu chí nào để “xét” nếu không phải là các điều kiện đã được quy định trong Nghị định?

      Hơn nữa, điểm đ Khoản 2 Điều này đã quy định: Kết quả kiểm tra nếu xác định nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu đủ điều kiện giảm thuế theo quy định thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu ban hành quyết định giảm thuế nhập khẩu…” là đã đủ rõ ràng về thẩm quyền.

      Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 4 Điều 17.

    3.   Về các trường hợp hoàn thuế và điều kiện hoàn thuế (Điều 18)

Khoản 4 Điều 18 quy định một trong các điều kiện để hàng hóa không còn chịu sự giám sát hải quan được hoàn thuế là “không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Điều này là bất hợp lý bởi Nghị định 105/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tại Điểm c Khoản 1 Điều 6 đã cho phép hoàn thuế đối với “d) Hàng nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với shàng xuất trả lại nước ngoài;”. Vì vậy, không có lý do gì mà thuế TTĐB được hoàn còn thuế nhập khẩu thì không.  Đề nghị Ban soạn thảo có lý giải căn cứ cho quy định này. Trường hợp không có lý do thích đáng, đề nghị Ban soạn thảo bỏ khoản 4 Điều 18 để bảo đảm tính thống nhất của chính sách thuế.

3.5        Về hồ sơ hoàn thuế (Điều 17)

Điều 17 (sau Điều 18 – do trong Dự thảo đánh số nhầm) Dự thảo quy định về hồ sơ hoàn thuế nhưng lại lồng ghép một số nội dung không phải là hồ sơ mà là điều kiện hoàn thuế, đáng lẽ phải được quy định tại Điều 18, cụ thể:

–                     Điểm c Khoản 2: “hàng hóa đã xuất khẩu nhưng phải nhập khẩu trở lại Việt Nam… chưa qua quá trình sản xuất, gia công, sửa chữa hoặc sử dụng ở nước ngoài”;

–                     Điểm đ Khoản 2: “Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất để thực hiện các dự án đầu tư, thi công xây dựng, lắp đặt công trình, phục vụ sản xuất… không thực hiện theo hình thức thuê mượn”. Ở đây chưa rõ mục đích của quy định, cũng chưa rõ “thuê mượn có trả phí” là như thế nào, thực tế doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế nhập khẩu trên phí dịch vụ thuê, mượn và không được hoàn.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và sắp xếp lại quy định trên cho hợp lý.

4)                 Một số quy định về thủ tục hành chính chưa bảo đảm tính minh bạch

4.1   Về các trường hợp miễn thuế (Điều 9 Dự thảo)

Khoản 6 Điều 9 quy định chi tiết khoản 9 Điều 16 Luật thuế XNK về Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định… nhưng chỉ nhắc lại quy định tại Luật mà không có quy định cụ thể nào.

Để bảo đảm tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về hồ sơ, tài liệu để doanh nghiệp chứng minh “thời hạn nhất định” nói trên.

4.2   Về hồ sơ miễn thuế (Điều 12)

Khoản 2c Điều 12 Dự thảo quy định “Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu phải có thêm: Công văn yêu cầu miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu …trong đó nêu rõ: số tờ khai hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn thuế; tên hàng, số thứ tự dòng hàng, số lượng hang hóa trên tờ khai hải quan…” trong khi Khoản 1 Điều này đã nêu rõ: “ Hồ sơ miễn thuế là hồ sơ hải quan.”

Việc yêu cầu lặp lại các thông tin đã có trong hồ sơ hải quan là tạo thêm thủ tục không cần thiết, làm mất thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và bỏ các nội dung bị trùng lặp.

Góp ý tương tự với Hồ sơ Hoàn thuế (Điều 17 Dự thảo).

4.3   Về thủ tục miễn thuế (Điều 13)

Điều 13 Dự thảo quy định Thủ tục miễn thuế nhưng không rõ thời hạn các cơ quan quản lý nhà nước về thuế thực hiện thủ tục này như thế nào. Đặc biệt là trường hợp người nộp thuế gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan và các trường hợp khác thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của Chính phủ: sau bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận hồ sơ thì Tổng cục Hải quan sẽ kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ và báo cáo Bộ Tài chính và sau bao nhiêu ngày kể từ ngày Bộ Tài chính nhận được hồ sơ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ?

Góp ý tương tự với trường hợp phải đăng ký Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu miễn thuế: trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày nhận được các tờ khai nhập khẩu của doanh nghiệp thì Cục trưởng Cục Hải quan sẽ xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể?

Thời hạn là nội dung đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thủ tục hành chính mà nếu thiếu nó thì cả tính minh bạch và khả thi của văn bản đều sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thời hạn cho các nội dung trên và các quy định khác có tính chất tương tự.

4.4   Về thủ tục đăng ký Danh mục hàng hóa miễn thuế trước khi xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 10)

Khoản 6 Điều 10 Dự thảo quy định về thủ tục đăng ký Danh mục hàng hóa miễn thuế trước khi xuất khẩu, nhập khẩu: “Thời điểm đăng ký danh mục là trước khi đăng ký tờ khai hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đầu tiên của dự án” nhưng không rõ là trước bao nhiêu ngày?

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định cụ thể thời hạn trên để tạo điều kiện cho việc thực hiện đúng và thống nhất.

4.5   Về các trường hợp và điều kiện hoàn thuế (Điều 18)

Điều 18 về các trường hợp hoàn thuế quy định: “Các trường hợp khác phù hợp với mục tiêu quản lý từng thời kỳ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”. Đây là quy định tích cực, thể hiện sự linh hoạt của ngành thuế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp được hưởng các quyền lợi chính đáng phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều kiện kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, thẩm quyền ban hành sẽ hợp lý hơn nếu thuộc về Thủ tướng Chính phủ (trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính) vì các trường hợp hiện tại đã được quy định ở cấp Nghị định.

Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể hơn nguyên tắc để xác định các trường hợp này, cụ thể: “từng thời kỳ” được xác định trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu? Trong những hoàn cảnh nào (thay đổi chính sách, thay đổi trong thực tiễn hoạt động của nền kinh tế, doanh nghiệp…) thì Bộ Tài chính có nghĩa vụ phải xem xét và quy định? Cách thức công bố các trường hợp này như thế nào? Doanh nghiệp có thể tiếp cận bằng phương thức nào?

Để bảo đảm tính khả thi của quy định, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các nội dung nêu trên và quy định thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

5)                 Một số góp ý khác

–         Khoản 3 Điều 7 Dự thảo quy định: “Trường hợp miễn thuế với quà biếu, quà tặng từ tổ chức, cá nhân nước ngoài. Đối với trường hợp là quà biếu quà tặng của tổ chức cá nhân nước ngoài cho tổ chức Việt Nam nếu giá trị quà biếu không quá 30 triệu đồng sẽ không chịu thuế GTGT”. Tuy nhiên, Nghị định 209/2013/ND-CP và Thông tư 219/2013/TT-BTC chỉ quy định về trường hợp miễn thuế đối với quà biếu quà tặng cho các tổ chức cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước. Do đó, nếu trong Nghị định này cho phép việc các quà biếu quà tặng từ nước ngoài tới các tổ chức khác không phải chịu thuế GTGT thì phải điều chỉnh quy định về thuế GTGT cho phù hợp;

–         Khoản 4 Điều 9 Dự thảo quy định về miễn thuế đối với các nguyên liệu, vật tư hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu nhưng một số nội dung lại về hoàn thuế (khoản 4b.2, 4b.5 đến 4b.8 và 4c) là không phù hợp, ví dụ:

+       4b.3) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư (trừ sản phẩm hoàn chỉnh) để thực hiện hợp đồng gia công… khi thực xuất khẩu sản phẩm sẽ được xét hoàn thuế nhập khẩu như đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hoá xuất khẩu;

+       4b.8.1) Điều kiện để được hoàn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu

Đề nghị Ban soạn thảo sắp xếp các quy định này vào nội dung phù hợp.

–         Trình bày lại các điều khoản, điểm cho dễ theo dõi. Tách các khoản ở Điều 9 thành các Điều nhỏ hơn;

–         Rà soát lại các tên Điều, Khoản, điểm cho thống nhất (ví dụ Điều 17 quy định về Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giảm thuế nhưng Khoản 1 lại ghi “Nộp và tiếp nhận hồ sơ xét miễn thuế”);

–         Dự thảo chưa có các Mẫu để doanh nghiệp thực hiện khai hoàn/miễn/giảm thuế nên chưa có điều kiện góp ý, đo đó, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung;

–         Hiện tại Dự thảo Luật thuế XNK dự kiến được thông qua tháng 4/2016 và dự kiến có hiệu lực từ 01/9/2016, theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thì Nghị định phải được ban hành để có thời hạn hiệu lực cùng với Luật. Do đó, cần cân nhắc các vấn đề sau:

+       Khoản 4 Điều 14 Luật ban hành VBQPPL quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc quy định thủ tục hành chính trong thông tư của Bộ trưởng (trừ trường hợp được Luật giao). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát tất cả các thủ tục hành chính có thể phát sinh trong hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế đưa vào Nghị định này để bảo đảm tuân thủ quy định trên;

+       Điều 11 Luật ban hành VBQPPL quy định về Văn bản quy định chi tiết:

“1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết.”

Hiện tại, Dự thảo chỉ quy định chung tại khoản 3 Điều 22: “Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thi hành Nghị định này” mà chưa đi cụ thể vào từng quy định. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát các điều, khoản cần quy định chi tiết và nêu ngay tại điều, khoản đó để phù hợp với căn cứ quy định nêu trên của Luật ban hành VBQPPL.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện. VCCI sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sau khi Dự thảo được hoàn thiện. Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các tin khác