Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Công ty CP chứng khoán dầu khí góp ý Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán
27/07/2016 23:56' Gửi bài này In bài này

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP

Dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán

        Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí

Ngày 08/03/2016, Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí nhận được dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán (Dự thảo) của Chính phủ. Toàn văn Dự thảo có nhiều nội dung đổi mới, cải cách nhằm tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Trên cơ sở thực tiễn trong quá trình hoạt động và sau khi nghiên cứu Dự thảo chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến đối với các quy định điều kiện kinh doanh chứng khoán như sau:

Giá trị hiệu lực của văn bản

Theo như nội dung đã nêu tại Tờ trình về việc ban hành Nghị định thì hiện nay nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán đang được quy định tại văn bản Thông tư, không đảm bảo về hiệu lực pháp lý kể từ ngày 01/07/2016. Đồng thời theo Khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư 2014 thì “3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Tuy nhiên đối với các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Công ty chứng khoán, hiện tại đang được sửa đổi tại một loạt các văn bản như Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 hướng dẫn Luật chứng khoán 2006 và Luật chứng khoán sửa đổi 2010, Thông tư số 07/2016/TT-BTC Ngày 18/01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30 tháng 11 năm 2012 hướng dẫn về thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, Thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành…Về thời điểm ban hành, các văn bản này cũng có hiệu lực từ 01/07/2016. Về phân loại văn bản quy phạm pháp luật, cũng có các Nghị định đã quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán như Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh….Do vậy, trên thực tế việc quy định tại một Nghị định riêng như trên sẽ dẫn đến việc chồng chéo thêm các văn bản pháp luật, hơn nữa tại Điều 22 của Nghị định về Điều khoản thi hành cũng chưa xác định rõ các trường hợp:

  • Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa văn bản này và các quy định của pháp luật chuyên ngành thì văn bản nào có giá trị áp dụng và thi hành.
  • Trong trường hợp đã có sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật chuyên ngành ở mức Thông tư mà Nghị định chưa có quy định thì các quy định trên có được áp dụng hay phải tuân thủ bắt buộc theo Khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư 2014.Chúng tôi xin thống kê một số các nội dung chưa thống nhất tại các văn bản như sau:
  1. Điều kiện về vốnTheo quy định tại Khoản 2 Điều 4 về Điều kiện về vốn của Công ty thì “Vốn điều lệ của Công ty phải là vốn thực góp và tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định tại Khoản 1,2 Điều 71 Nghị định 58/2012/NĐ-CP”. Khoản 1, 2 Điều 71 quy định:

    1. Vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán tại Việt Nam là:

    a) Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam;

    b) Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam;

    c) Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam;

    d) Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam.

    2. Trường hợp tổ chức đề nghị cấp giấy phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn pháp định là tổng số vốn pháp định tương ứng với từng nghiệp vụ đề nghị cấp phép.”

    Tuy nhiên, việc quy định này chưa thực sự đầy đủ và bao quát. Hiện tại, ngoài Nghị định 58/2012/NĐ-CP điều kiện về vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán còn được quy định rải rác ở nhiều văn bản áp dụng cho các nghiệp vụ đặc thù khác nhau như giao dịch trong ngày hay chứng khoán phái sinh, cụ thể:

  • Quy định tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP ngày 05/05/2015 về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh:“- Đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh: Là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ sáu trăm (600) tỷ đồng trở lên;

    – Đối với hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh: Là công ty chứng khoán có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên và được phép thực hiện hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh;

    – Đối với hoạt động tư vấn chứng khoán phái sinh: Là tổ chức kinh doanh chứng khoán có vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định theo quy định pháp luật về chứng khoán;

    – Trường hợp đăng ký kinh doanh cả hoạt động tư vấn, môi giới và tự doanh chứng khoán phái sinh, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán phải đạt tối thiểu từ tám trăm (800) tỷ đồng trở lên.”

  • Quy định cụ thể tại Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12 Thông tư 203/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành đối với điều kiện thực hiện giao dịch trong ngày và giao dịch tạo lập thị trường.
  1. Thay đổi địa điểm chi nhánh công ty Tại Khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định: “Việc tăng giảm vốn điều lệ, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, thay đổi tên công ty, địa điểm trụ sở chính, chi nhánh, người đại diện theo pháp luật hoặc chuyển đổi loại hình công ty, hợp nhất, sáp nhập công ty của tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua”.

    Do đó, theo Dự thảo việc thay đổi địa điểm chi nhánh cần phải thông qua Đại hội đồng cổ đông. Quy định như vậy mẫu thuẫn với quy định tại khoản 1 Điều 20 Thông tư 210/2012/TT- BTC của Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của Công ty chứng khoán. Theo Thông tư hồ sơ thay đổi địa điểm chi nhánh cần có: “a, Giấy đề nghị thay đổi địa điểm chi nhánh; b, Bản thuyết minh cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh tại địa điểm mới của chi nhánh; c, Quyết định của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu về việc thay đổi địa điểm đặt chi nhánh”.

    Do đó, việc thay đổi địa điểm chi nhánh của công ty chứng khoán thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị mà không cần đưa ra Đại hội đồng cổ đông theo như Dự thảo. Đề nghị bộ phận soạn thảo xem xét và điều chỉnh nội dung này để tránh bị mâu thuẫn, chồng chéo giữa hệ thống các văn bản pháp luật về nội dung này.

  2. Sửa đổi, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoánTại Khoản 1 Điều 5 Dự thảo quy định, công ty chứng khoán được bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phải: “a, Đáp ứng quy định tại Điều 4 Nghị định này đối với các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đã có và nghiệp vụ dự kiến bổ sung”.  Theo đó, Điều 4 Dự thảo quy định điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán quy định cả đối với những vấn đề về cổ đông góp vốn, nhà đầu tư nước ngoài.

    Do đó, nếu dẫn chiếu theo như Dự thảo sẽ gây khó hiểu cho các doanh nghiệp khi triển khai thực hiện việc bổ sung nghiệp vụ chứng khoán. Đồng thời, việc bổ sung nghiệp vụ này đã được quy định cụ thể tại Điều 9 Thông tư 210/2012/TT- BTC của Bộ tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của Công ty chứng khoán. Theo Thông tư 210/2012/TT- BTC so với Nghị định này cũng có bổ sung thêm điều kiện “Công ty chứng khoán không bị đặt vào tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt, đình chỉ hoạt động theo quy định hiện hành trong vòng ba (03) tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị bổ sung nghiệp vụ”. Do đó, chúng tôi khuyến nghị bộ phận soạn thảo điều chỉnh và hợp nhất đầy đủ, để trách gây khó hiểu và khó triển khai thực hiện cho các doanh nghiệp.

  3. Tỷ lệ vốn khả dụng

Theo quy định tại Điều 6 của Dự thảo Nghị định, điều kiện về tỷ lệ vốn khả dụng, báo cáo tài chính đã được kiểm toán, quản lý tiền nhà đầu tư,… để được đăng ký cung cấp các dịch vụ chứng khoán khác như :

  1. Dịch vụ giao dịch ký quỹ: Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ ký quỹ.
  2. Dịch vụ giao dịch trong ngày:Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ ký quỹ.

    Có hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt với từng nhà đầu tư tại ngân hàng.

  3. Kinh doanh chứng khoán phái sinh:Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 220% liên tục trong 12 tháng gần nhất đã được kiểm toán trước tháng nộp hồ sơ và đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định.

    Ý kiến của TC kiểm toán được chấp nhận tại BCTC năm của năm tài chính gần nhất và BCTC bán niên gần nhất đã được soát xét phải là chấp nhận toàn bộ, không có ngoại trừ hoặc lưu ý.

  4. Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh:

Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 260% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ.

Chúng tôi có ý kiến như sau: điều chỉnh điều kiện về tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu thấp xuống và điều chỉnh quy định về BCTC kiểm toán, quản lý tiền gửi nhà đầu tư cụ thể như sau:

  1. Dịch vụ giao dịch ký quỹ:Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 180% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ ký quỹ, vì sau khi đăng ký cung cấp dịch vụ này các công ty chứng khoán chỉ cần đảm tỷ lệ này theo quy định là 180%.
  2. Dịch vụ giao dịch trong ngày:Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 200% liên tục trong 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm đăng ký cung cấp dịch vụ ký quỹ.

    Có hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt với từng nhà đầu tư tại ngân hàng.

    Tại Điều 50 của thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30.11.2012 đã quy định rõ về quản lý tách bạch tiền của khách hàng, việc quy định có hệ thống để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán tách biệt với từng nhà đầu tư tại ngân hàng tại nghị định này có khác với quy định tại Điều 50 của thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30.11.2012 hay không? Quy định tại Điều 50 của thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30.11.2012 là áp dụng khá hợp lý trong điều kiện hiện nay.

  3. Kinh doanh chứng khoán phái sinh:Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 200% liên tục trong 12 tháng gần nhất đã được kiểm toán trước tháng nộp hồ sơ và đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định.

    Ý kiến của TC kiểm toán được chấp nhận tại BCTC năm của năm tài chính gần nhất và BCTC bán niên gần nhất đã được soát xét phải là chấp nhận toàn bộ, không có ngoại trừ vì lưu ý trong BCTC kiểm toán chỉ là nhấn mạnh đến người đọc chú ý hơn đến 1 số thuyết minh được đề cập trong BCTC kiểm toán.

  4. Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh:

Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiếu 240% liên tục trong 12 tháng gần nhất trước tháng nộp hồ sơ.

—————————–

Sau khi nghiên cứu các quy định cụ thể tại Nghị định, chúng tôi xin kiến nghị các cơ quan ban hành luật lựa chọn giải pháp phù hợp: (i) Hạn chế ban hành các quy định cùng về các điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán tại nhiều văn bản luật (2) Trong trường hợp thống nhất quy định tại một Nghị định thì nên quy định thay thế các quy định tại các văn bản khác. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian đối chiếu giữa các văn bản, tránh những sai sót không đáng có trong quá trình áp dụng và thi hành các chính sách của cơ quan nhà nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, hướng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài, việc đưa ra những chính sách hỗ trợ cho thị trường và các thành viên tham gia thị trường là điều vô cùng cần thiết. Trên đây là những đóng góp của chúng tôi nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn Dự thảo, đóng góp chung cho sự phát triển của TTCK. Chúng tôi tin tưởng, với các chương trình hội thảo về chính sách, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ban hành được những chính sách tích cực, tiến bộ và thực tiễn.

Các tin khác