Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Hội Thẩm định giá Góp ý Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
06/11/2015 21:57' Gửi bài này In bài này

Sau khi nghiên cứu, Hội Thẩm định giá Việt Nam có ý kiến như sau:

A – Một số ý kiến chung:

1. Việc Bộ Công Thương soạn thảo Nghị định nói trên trình Chính phủ ban hành là cần thiết, vừa phù hợp với quy định của pháp luật và vừa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn quản lý kinh tế của Nhà nước trong việc khắc phục những “khuyết tật” của cơ chế thị trường.

Bố cục của Dự thảo Nghị định hợp lý, phù hợp với quy định hiện hành về thể thức ban hành văn bản pháp luật.

2. Tuy nhiên: Dự thảo Nghị định quy định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại nhưng ở phần phụ lục lại chỉ quy định về hàng hóa, dịch vụ mà không có “địa bàn” thì có phải là quy định còn thiếu không?

Nếu coi hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền Nhà nước được sản xuất kinh doanh trên địa bàn nào thì địa bàn đó thuộc độc quyền Nhà nước thì phải có giải thích từ ngữ “về địa bàn”.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị xem xét nội dung này của Dự thảo.

B – Một số ý kiến cụ thể

Đối với Chương II: Thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại

1.1. Điều 4: Về các nguyên tắc

* Nguyên tắc 1 (Khoản 1, Điều 4): Đã có sự mâu thuẫn với khái niệm độc quyền nói chung tại Luật cạnh tranh: “Doanh nghiệp được coi là có vị trí độc quyền nếu không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan” và mâu thuẫn ngay với Khoản 1, Điều 3 của Dự thảo Nghị định: … “Chỉ giao cho các cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc doanh nghiệp Nhà nước thực hiện” trong khi Khoản 1, Điều 4 Dự thảo Nghị định nêu … “hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia”.

Độc quyền Nhà nước bản chất của nó là về lĩnh vực đó Nhà nước không cho phép bất kỳ một doanh nghiệp tư nhân nào cạnh tranh, chứ không phải “các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia” thì Nhà nước phải độc quyền; các thành phần kinh tế khác vì mục tiêu lợi nhuận họ có thể không tham gia vào lĩnh vực nào đó thì Nhà nước phải làm, khác với việc họ không làm thì mình độc quyền.

Đây là nội dung không đúng cần được hủy bỏ

* Nguyên tắc 2 (Khoản 2, Điều 4): Có 2 vấn đề cần được xem xét:

– Đây không phải là nguyên tắc thực hiện mà bản chất của nội dung này là “danh mục” thực hiện và phân cấp, thẩm quyền quy định danh mục.

Do đó, cần chuyển nội dung này về các nội dung của Điều 6, Điều 7 chương này.

– Với Dự thảo này được công bố, hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng đều đăng tin là từ nay Nhà nước chỉ còn độc quyền 16 mặt hàng… Thực tế lại không phải như vậy, khi Khoản 2, Điều 4 Dự thảo nêu: “Độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhất định chỉ được thực hiện theo quy định của Nghị định này hoặc Luật, Pháp lệnh, Nghị định khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên còn hiệu lực và ban hành trước thời điểm Nghị định này có hiệu liệu thi hành…”.

Tức là có thể còn nhiều hơn 16 mặt hàng tại Dự thảo. Do vậy, hiệu quả nhất là rà soát tất cả các văn bản pháp luật hiện hành, nếu các loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại được quy định ở các Nghị định khác thì nên “gom” về Nghị định mới này, không nên để tồn tại rải rác ở các quy định khác.

        1.2. Về Tiêu chí:

Hai Tiêu chí trong Điều này khá mâu thuẫn với nhau:

* Tiêu chí 1: Hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thiết yếu liên quan đến quốc phòng an ninh…

* Tiêu chí 2: Hàng hóa, dịch vụ, địa bàn được pháp luật quy định chỉ do cơ quan hành chính…

Tiêu chí 2 thì đã rõ: bất kỳ loại hàng hóa, dịch vụ nào Nhà nước quy định là độc quyền Nhà nước thì phải thực hiện độc quyền Nhà nước. Thế thì Tiêu chí 1 nêu ra ai quy định?

Do đó nếu hiểu đúng nghĩa “Tiêu chí là tính chất, dấu hiệu đặc trưng để nhận biết, xem xét hoặc phân biệt một vật, sự vật” thì giữ lại Tiêu chí 1 và cần bỏ Tiêu chí 2 trong Dự thảo. Bởi vì ở đây cần Tiêu chí đúng để Chính phủ quy định danh mục, chứ không phải Chính phủ quy định danh mục để trở thành Tiêu chí.

Đồng thời bổ sung: Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người.

1.3. Điều 8: Nội dung thực hiện độc quyền

Đề nghị bổ sung Khoản 1: “Chịu các biện pháp kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 15 Luật cạnh tranh” thêm các nội dung Luật Giá, Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Lý do:

– Bổ sung Luật Giá vì: Điều 15 – Luật cạnh tranh quy định Nhà nước quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước, nhưng chưa quy định rõ quyết định theo nguyên tắc nào.

Để bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp đối với loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền Nhà nước trong cơ chế thị trường thì Luật Giá đã quy định tại Điều 20 về Nguyên tắc định giá của Nhà nước:

“1. Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ.

        2. Kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi”.

– Bổ sung Luật Bảo vệ người tiêu dùng vì: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ thuộc độc quyền Nhà nước không chỉ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao mà điều quan trọng nữa là phải bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, Nhà nước phải kiểm soát hoạt động, số lượng hàng hóa, chất lượng hàng hóa, điều kiện thanh toán, mua bán… của doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tình trạng độc quyền làm phương hại đến lợi ích người tiêu dùng. Những nội dung này Điều 15 – Luật cạnh tranh chưa thể hiện được.