Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá
27/07/2016 23:38' Gửi bài này In bài này
HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

——-***——-

 

 

Số: 17 /2016/CV-HTĐGVN

V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——-***——-

 

 

 

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2016

 

 

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

 

Hội Thẩm định giá Việt Nam nhận được công văn số 0694/PTM-PC ngày 30/3/2016 của Quý Phòng về việc mời góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP do Bộ Tài chính soạn thảo;

Theo gợi ý của Quý Phòng về các nội dung góp ý, Hội Thẩm định giá Việt Nam có ý kiến trực tiếp vào những vấn đề, nội dung của Dự thảo cần được xem xét như sau:

1. Về Tiêu đề tên của Nghị định:

Cách viết như Dự thảo là chưa đầy đủ và chưa bao hàm hết toàn bộ nội dung của Nghị định. Sở dĩ như vậy là vì:

– Nghị định số 177/2013/NĐ-CP chỉ hướng dẫn thi hành Luật Giá, mà Luật Giá thì không có danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá quy định tại Điều 24 Luật phí và Lệ phí.

– Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 177/2013/NĐ-CP vẫn chỉ là hướng dẫn thi hành Luật Giá mà không quy định cả việc hướng dẫn thi hành Điều 24 Luật phí và Lệ phí là không phù hợp. Mặc dù về “phạm vi điều chỉnh” có nói đến việc hướng dẫn Điều 24 Luật phí và Lệ phí, nhưng “phạm vi điều chỉnh” không thể quyết định được tên của Nghị định mà chính tên của Nghị định mới quyết định phạm vi điều chỉnh và toàn bộ nội dung của Nghị định.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị Tiêu đề tên của Nghị định là “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá và hướng dẫn thi hành Điều 24 Luật phí và Lệ phí”.

           Với việc bổ sung, hoàn chỉnh Tiêu đề tên của Nghị định như vậy thì Điều 1 không cần phải nêu hướng dẫn Điều 24 Luật phí và Lệ phí.

2. Về nội dung sửa đổi, bổ sung các điều thuộc mục 1 – Bình ổn giá (Điều 3,6,7) của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.

           2.1. Đối với các đề xuất chuyển việc bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sang Bộ Công Thương, quy định trách nhiệm quản lý của một số Bộ rõ hơn… với cách lập luận như giải thích trong Tờ trình Chính phủ, và để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, chúng tôi đề nghị những mặt hàng sau đây cũng cần được phân công lại phù hợp với nhiệm vụ quản lý các mặt hàng của các Bộ đã được Chính phủ giao:

– Xăng dầu: cần chuyển cho Bộ Công Thương vì: Điểm C, Khoản 1, Điều 38, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đã quy định rõ: … “Chính phủ: Quyết định bình ổn giá xăng dầu và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính triển khai áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong thời hạn áp dụng các biện pháp bình ổn giá”.

Khoản 1, Điều 39, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cũng đã quy định: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá công khai, minh bạch, đúng quy định tại Điều 38 Nghị định này.

– Điện: Luật Điện Lực cũng cơ bản giao cho Bộ Công Thương

– Gas: Nghị định số 107/2009/NĐ-CP cũng giao Bộ Công Thương quản lý toàn diện mặt hàng này.

2.2. Đối với biện pháp “ Đăng ký giá”:

Thực tiễn vừa qua các tổ chức sản xuất kinh doanh đã thực hiện việc đăng ký giá đối với loại hàng hóa, dịch vụ theo quy định phải đăng ký giá trước khi định giá và điều chỉnh giá trong thời gian Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, những loại hàng hóa, dịch vụ này khi yếu tố đầu vào tăng thì các doanh nghiệp đăng ký tăng giá ngay (vận tải taxi là một ví dụ), nhưng khi yếu tố đầu vào chủ yếu giảm thì các doanh nghiệp không chịu giảm. Đó là một thực tế về điều hành giá trong thời gian vừa qua. Mặc dù tại Khoản 5 – Điều 11 Luật Giá quy định về Quyền của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã nêu: “Điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá”. Nhưng các doanh nghiệp vẫn không thực hiện, cơ quan quản lý Nhà nước phải ban hành các văn bản “đôn đốc” nhưng hiệu quả chưa cao. Từ thực tiễn đó, chúng tôi kiến nghị cần bổ sung các nội dung sau:

– Bổ sung hình thức doanh nghiệp phải đăng ký giá khi yếu tố đầu vào chủ yếu tăng hoặc giảm (hoặc có thể là: Doanh nghiệp phải “đăng ký lại giá” khi yếu tố đầu vào chủ yếu thay đổi)

– Tuy phải đăng ký giá, nhưng bản chất vẫn là giá do doanh nghiệp quyết định, do đó để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng có thể bổ sung cơ chế quy định; doanh nghiệp không được bán cao hơn giá đăng ký cũng tức là được bán hàng hóa, bằng hoặc thấp hơn mức giá đã đăng ký; để bảo vệ lợi ích cho người sản xuất có thể quy định: doanh nghiệp không được mua thấp hơn giá mua đã đăng ký – đặc biệt là đối với hàng nông sản, thủy sản.

Cơ chế này giống như Điều 18, Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định về cách thức niêm yết giá

3. Về nội dung sửa đổi, bổ sung các điều về “Định giá” (Khoản 10, Điều 1 – Dự thảo Nghị định: sửa đổi, bổ sung Điều 8 – Nghị định số 177/2013/NĐ-CP).

– Dự thảo Nghị định hướng dẫn: Bộ Tài chính định giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu “tiêu thụ” trong nước là trái với điểm d, Khoản 3, Điều 19 – Luật Giá là: Định giá bán tối thiểu đối với sản phẩm thuốc lá điếu “sản xuất” trong nước.

– Đối với 17 loại hàng hóa, dịch vụ được chuyển từ hình thức phí sang giá dịch vụ theo quy định của Luật phí và Lệ phí:

+ Trong Tờ trình, đề nghị cần có Tiêu chí nêu rõ việc đề xuất các hình thức định giá: Khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá cụ thể gắn với các loại hàng hóa dịch vụ theo tiêu chí nào. Tờ trình mới chỉ nêu nguyên tắc để sắp xếp thẩm quyền và trách nhiệm định giá của các Bộ mà chưa có các Tiêu chí nêu trên, nên chưa rõ và tính thuyết phục chưa cao.

Ví dụ:

  • Dự thảo quy định Ủy ban Nhân dân được quyền quy định các hình thức định giá: giá tối đa, khung giá… như vậy phải có 1 cấp nữa quy định giá cụ thể. Trong khi Luật Giá chỉ quy định thẩm quyền định giá có 4 cấp: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Các Bộ và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (gần đây có quy định thêm cho Hội đồng Nhân dân nhưng chỉ đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh…); đồng thời cũng chỉ áp dụng hình thức định giá cụ thể đối với thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh mà không phân cấp ủy quyền tiếp theo cho các cơ quan thuộc UBND tỉnh
  • Hoặc đối với lĩnh vực chứng khoán: Cần thiết phải phân cấp để Bộ Tài chính quyết định giá cụ thể không nên để như dự thảo: Khung giá, giá tối đa hoặc giá cụ thể; để rồi có thể là Ủy ban chứng khoán Nhà nước quyết định giá cụ thể trong khung giá, giá tối đa trong khi theo phân cấp Ủy ban chứng khoán Nhà nước không có chức năng này, Ủy ban chứng khoán Nhà nước chỉ có chức năng trình để Bộ Tài chính quyết định (giống như trường hợp hàng dự trữ quốc gia, không phải Tổng cục Dự trữ Nhà nước quyết định chi phí nhập, chi phí xuất tại cửa kho dự trữ quốc gia, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia… mà là Bộ Tài chính quy định)

+ Từ cách đặt vấn đề trên, đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát, xác định tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ để sắp xếp vào các hình thức định giá phù hợp theo một số tiêu chí cơ bản; Ví dụ:

  • Sắp xếp những loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức khung giá, phải là những hàng hóa dịch vụ nào liên quan đến nhiều ngành, có điều kiện sản xuất – kinh doanh khác nhau, nhiều thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh; thị trường sản xuất và tiêu thụ khác nhau…
  • Sắp xếp những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức giá tối đa đối với hàng hóa dịch vụ có cạnh tranh, để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, khuyến khích sử dụng ngân sách tiết kiệm.
  • Sắp xếp những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá theo hình thức giá tối thiểu để bảo hộ sản xuất, bảo vệ lợi ích người sản xuất…

+ Đối với thẩm quyền định giá danh mục hàng hóa, dịch vụ bổ sung: Không nên để Bộ Tài chính quá nhiều những hàng hóa dịch vụ mà các Bộ quản lý ngành đang trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh, có điều kiện hiểu rõ hơn, quản lý tốt hơn, như:

Dịch vụ sử dụng đường độc đạo gồm đường quốc lộ, đường cao tốc… Dịch vụ kiểm định phương tiện vận tải… nên để Bộ Giao thông vận tải

Dịch vụ kiểm định thuốc dùng cho động vật, thực vật… nên để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dịch vụ kiểm nghiệm mẫu thuốc, nguyên liệu làm thuốc nên để Bộ Y tế

….

– Đề nghị bổ sung thẩm quyền quy định giá bán lẻ điện cụ thể cho Bộ Công Thương. Sở dĩ như vậy vì Nghị định hướng dẫn Luật Giá và Nghị định hướng dẫn Luật Điện Lực chưa phân cấp nhiệm vụ trên, trong khi tại Khoản 2, Điều 22 – Luật Giá mới chỉ quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định Khung của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” – (Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện chỉ dừng lại ở mức độ tỷ trọng % giá điện cho từng mục đích sử dụng điện so với giá bán điện bình quân, chứ chưa có mức giá điện cụ thể). Tuy Luật Điện Lực năm 2004, Khoản 1, Điều 31 có quy định “Biểu giá bán lẻ điện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Nhưng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện Lực ban hành năm 2013 đã bãi bỏ quy định tại Khoản 1, Điều 31 trên và quy định thống nhất như Luật Giá là: Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

4. Về nội dung sửa đổi, bổ sung các điều về “Kê khai giá” – Khoản 14 – Dự thảo Nghị định.

– Về danh mục: Do Tờ trình không phân tích kỹ cả về tiêu chí lựa chọn gắn với danh mục mặt hàng, vì vậy chúng tôi không có điều kiện tham gia chi tiết. Tuy nhiên, không nên bổ sung thêm nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý trực tiếp (dù quản lý bằng hình thức kê khai giá), nhất là những loại  dịch vụ mà Nhà nước đã loại khỏi danh mục phí và lệ phí và Nhà nước cũng không quyết định giá nên để thị trường quyết định; như:

+ Dịch vụ dự thi, dự tuyển bậc Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp (Liên quan đến Luật Giáo dục).

+ Dịch vụ giám định y Khoa (Liên quan đến Luật khám bệnh, Thông tư số 93/2012-BTC của Bộ Tài chính).

+ Dịch vụ giới thiệu việc làm (Liên quan đến Luật việc làm, trong đó có miễn phí giới thiệu việc làm cho thanh niên…)

+ Giá giống lúa, giống ngô, giống rau các loại liên quan đến giá giống gốc quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích).

Mặt khác không cần thiết phải bổ sung việc kê khai giá đối với dịch vụ thẩm định giá quy định như vậy không chỉ mâu thuẫn với các dịch vụ khác như kế toán, kiểm toán và một số dịch vụ tài chính khác mà còn không phù hợp với Luật Giá, đó là “giá thỏa thuận ghi trong hợp đồng” và không phù hợp với thông lệ quốc tế. (Nếu phải kê khai giá thì kê khai theo giá do doanh nghiệp thông báo hay giá do từng cuộc thẩm định giá thỏa thuận ghi trong hợp đồng?).

– Về thẩm quyền kiểm soát việc kê khai giá đối với hàng hóa, dịch vụ mới được bổ sung cần chuyển cho các Bộ quản lý ngành đảm nhiệm.

– Cách thức kê khai giá cần có quy định bổ sung doanh nghiệp phải kê khai lại giá khi hết thời hạn phải đăng ký giá, khi các yếu tố hình thành giá thay đổi; doanh nghiệp không được bán cao hơn giá kê khai và không được mua thấp hơn giá kê khai như đã nêu trên về việc đăng ký giá, niêm yết giá.

Trên đây là những ý kiến góp ý của Hội Thẩm định giá Việt Nam và những ý kiến đó Hội Thẩm định giá Việt Nam cũng đã có văn bản góp ý với Bộ Tài chính,  đề nghị Quý Phòng xem xét tổng hợp và góp ý với Bộ Tài chính.

 

 

Nơi nhận:

– Như trên

– Lưu VT

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

Ts.Nguyễn Ngọc Tuấn

Nguyên Thứ trưởng – Bộ Tài chính