Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Góp ý Dự thảo Luật Hành chính công
27/07/2016 23:53' Gửi bài này In bài này

Dựa trên tài liệu mà Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cung cấp, sau khi nghiên cứu, VCCI có một số ý kiến ban đầu như sau:

1.     Về sự cần thiết của Luật Hành chính công

Nếu được ban hành và đi vào thực hiện, Luật Hành chính công sẽ là bước tiến lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền tại Việt Nam. Qua thực tiễn về việc tổ chức bộ máy nhà nước tại Việt Nam và kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác trên thế giới, các cơ quan hành chính luôn có nguy cơ hành xử không phù hợp với quy định của pháp luật. Nguyên nhân là do phạm vi công việc của các cơ quan này rất rộng, tác động trực tiếp đến từng cá nhân tổ chức, tính chất công việc có chuyên môn cao nên khó giám sát. Chính vì vậy, việc có một đạo luật nhằm bảo đảm hoạt động của các cơ quan hành chính là cần thiết.

Quá trình đổi mới 30 năm của Việt Nam đã mang lại nhiều tác động tích cực về mặt kinh tế, xã hội, hình thành và phát triển được cộng đồng doanh nghiệp và có tác dụng nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có phần chậm lại. Ngoài các lý do khách quan, chính sự trì trệ, quan liêu của bộ máy hành chính công đang tạo ra lực cản lớn cho quá trình phát triển. Qua nhiều cuộc điều tra, khảo sát, nghiên cứu của VCCI như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ, ngành (MEI), VCCI nhận thấy có một khoảng cách lớn từ quyết tâm đổi mới của lãnh đạo cho đến việc thực thi của bộ máy hành chính. Do đó, việc có một đạo luật nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước trong thời điểm hiện nay là vô cùng cấp thiết.

Hiện nay, các quy phạm pháp luật hành chính của Việt Nam đã được xây dựng nhiều, nhưng mang tính tản mát, giải quyết từng lĩnh vực, vấn đề cụ thể mà chưa có sự thống nhất. Thậm chí nhiều vấn đề vẫn còn thiếu các quy phạm để điều chỉnh, gây ra sự không đồng bộ trong tổ chức và hoạt động của nhiều cơ quan hành chính. Bảng dưới đây tổng hợp lại các đạo luật, quy phạm pháp luật hành chính của Việt Nam hiện nay cho thấy rõ thực trạng này.

Bảng: Tổng hợp các đạo luật, quy phạm pháp luật hành chính của

Việt Nam hiện hành

STT Nhóm vấn đề Quy phạm pháp luật điều chỉnh
1 Thành lập và tổ chức của các cơ quan hành chính Luật Tổ chức Chính phủ

Luật Tổ chức chính quyền địa phương

2 Người làm việc trong bộ máy hành chính Luật Cán bộ công chức

Luật Viên chức

3 Ban hành pháp luật hành chính (lập quy) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
4 Thủ tục hành chính Quy định tản mát trong các văn bản pháp luật hành chính chuyên ngành
5 Thẩm quyền, thủ tục ban ra các quyết định hành chính Đang xây dựng Luật Ban hành quyết định hành chính
6 Thực hiện các dịch vụ hành chính công Quy định tản mát trong các văn bản pháp luật hành chính chuyên ngành
7 Thanh tra, kiểm tra Luật Thanh tra (mới chỉ điều chỉnh hoạt động thanh tra).

Hoạt động kiểm tra vẫn quy định tản mát trong các văn bản pháp luật hành chính chuyên ngành

8 Xử lý vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính
9 Kiểm soát đối với hành chính

– Tự kiểm soát

– Kiểm soát của nhánh lập pháp

– Kiểm soát của nhánh tư pháp

– Kiểm soát từ xã hội

Luật Khiếu nại

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Luật Tố tụng Hành chính

Luật Mặt trận, Pháp lệnh dân chủ cơ sở và nhiều văn bản tản mát khác

10 Trách nhiệm pháp lý Luật Cán bộ công chức (phần xử lý kỷ luật)

Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

Như vậy, các vấn đề về: (1) thủ tục hành chính, (2) dịch vụ hành chính công, (3) kiểm tra hành chính, (4) kiểm soát hành chính từ phía xã hội hiện đã có quy phạm chi tiết nhưng thiếu quy phạm chung. Ngoài ra, một số vấn đề khác liên quan đến hoạt động của bộ máy hành chính cũng cần được giải quyết như (5) nguyên tắc chung của quản lý hành chính nhà nước; (6) hiện đại hóa bộ máy hành chính; (7) chia sẻ thông tin, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính. Do đó, việc hoàn thiện các quy phạm pháp luật về 7 vấn đề này là cần thiết.

Các căn cứ trên cho thấy, việc xây dựng Luật Hành chính công là rất cần thiết và cấp thiết.

2.     Về bố cục và nội dung chính của Luật

Cả 7 vấn đề được nêu trong Bảng trên đã được đưa vào và giải quyết trong Dự thảo Luật Hành chính công. Cụ thể là:

–         Chương I giải quyết vấn đề 5 về nguyên tắc chung của quản lý hành chính nhà nước.

–         Chương II giải quyết vấn đề 1 về thủ tục hành chính.

–         Chương III giải quyết vấn đề 2 về dịch vụ hành chính công.

–         Chương IV giải quyết vấn đề 3 về kiểm tra hành chính và vấn đề 4 về kiểm soát hành chính từ phía xã hội.

–         Chương V giải quyết vấn đề 6 về hiện đại hóa bộ máy hành chính và vấn đề 7 về chia sẻ thông tin, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính.

Như vậy, dự thảo đã xác định rất tốt các vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và tìm cách đưa giải pháp. Do đó, về cơ bản, bố cục này tương đối hợp lý.

Tuy nhiên, vấn đề thanh tra, kiểm tra hành chính và vấn đề kiểm soát hành chính trong nội bộ và từ phía lập pháp, tư pháp, xã hội được đưa vào chung chương IV là chưa thực sự phù hợp. Đây đều là những biện pháp giúp bảo đảm tuân thủ pháp luật hành chính, nhưng do chủ thể thực hiện khác nhau nên cần có phương pháp tiếp cận riêng. Thanh tra, kiểm tra chủ yếu là do các cơ quan hành chính thực hiện đối với người dân và doanh nghiệp. Đây là hoạt động có nguy cơ nảy sinh nhũng nhiễu nên cần được kiểm soát chặt chẽ. Ngược lại, kiểm soát hành chính lại là việc các chủ thể khác kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính. Đây lại là vấn đề cần được khuyến khích, đặc biệt là kiểm soát từ xã hội. Do đó, đề nghị nghiên cứu tách hai nội dung này thành 2 chương khác nhau để có thể đưa ra các biện pháp phù hợp hơn.

3.     Về thủ tục hành chính công

Chương II về thủ tục hành chính công đã giúp khái quát việc ban hành và thực hiện các thủ tục hành chính. Cách tiếp cận này tương đối hợp lý, song vẫn cần được nghiên cứu để phát triển thêm.

Qua thực tiễn hoạt động, VCCI nhận thấy tình trạng mỗi thủ tục hành chính được ban hành ở các văn bản quản lý chuyên ngành khác nhau do các cơ quan khác nhau soạn nên có sự không thống nhất và đồng bộ. Ví dụ, có một vài thủ tục thì không quy định thời gian thực hiện, một vài thủ tục khác lại có những quy định rất tiến bộ như cán bộ chỉ được hướng dẫn hồ sơ 1 lần bằng văn bản, không được yêu cầu thêm các hồ sơ khác hay nếu cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời thì coi như đồng ý với đơn của người dân và doanh nghiệp. Do đó, đề nghị đại biểu và nhóm nghiên cứu bổ sung thêm các quy phạm mang tính tạo dựng quy chuẩn cho các thủ tục hành chính. Có thể cân nhắc một số quy định như sau:

–         Phân loại thủ tục hành chính thành thủ tục thông báo, thủ tục đăng ký và thủ tục xin phép.

–         Cấm việc các cơ quan hành chính yêu cầu thêm các thành phần hồ sơ, nội dung kiểm tra thực tế vượt quá yêu cầu của văn bản pháp luật quy định về thủ tục hành chính đó.

–         Khi ban hành các thủ tục hành chính phải quy định rõ về thời gian thực hiện, trả lời. Nếu quá thời gian đó mà cơ quan hành chính chưa trả lời thì coi như đồng ý với đơn đề nghị của đương sự. Cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về việc chậm trả lời đương sự.

–         Khi xem xét hồ sơ, kiểm tra thẩm định thực tế khi làm thủ tục hành chính cần áp dụng các nguyên tắc sau:

o   Nguyên tắc công khai: tất cả các hồ sơ làm thủ tục hành chính đều công khai sau khi đã có quyết định về thủ tục đó (cả quyết định chấp thuận và không chấp thuận), trừ những hồ sơ mà pháp luật quy định rõ là không công khai.

o   Nguyên tắc tiền lệ: nếu người làm thủ tục hành chính sau có điều kiện tương tự như người làm thủ tục hành chính trước đó thì cơ quan có thẩm quyền phải trả lời giống nhau. Nếu cơ quan nhà  nước trả lời khác thì phải nêu rõ điểm khác biệt giữa hai trường hợp đó.

o   Nguyên tắc đồng bộ: nếu cùng một thủ tục hành chính được làm ở nhiều cơ quan khác nhau (ví dụ như 63 ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thì các cơ quan này phải trả lời giống nhau cho các trường hợp tương tự nhau. Nếu có sự khác biệt thì cơ quan ban hành thủ tục hành chính đó phải nhanh chóng có hướng dẫn để bảo đảm đồng bộ áp dụng.

Để tạo cơ sở thực tiễn và đánh giá tốt hơn tác động của việc hình thành một bộ quy chuẩn cho các thủ tục hành chính như vậy đòi hỏi trong quá trình soạn thảo chi tiết sẽ phải rà soát và khảo sát việc thực hiện các thủ tục hành chính hiện tại.

4.     Kiểm tra, thanh tra

Như trên đã đề cập, các nội dung về thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền đối với người dân và doanh nghiệp (Điều 35 và Điều 36 của Dự thảo) nên được tách thành một chương riêng trong luật và hoàn thiện chi tiết hơn. Hiện nay, quy định pháp luật về thanh tra đã được hoàn thiện bằng Luật Thanh tra, nhưng quy định về kiểm tra lại nằm tản mát tại nhiều văn bản và chưa có một quy tắc chung để xây dựng và điều chỉnh. Về vấn đề này, VCCI cho rằng đã đến lúc cần xây dựng quy định pháp luật để thống nhất các nguyên tắc chung về thanh tra, kiểm tra. Thực tế hiện nay cho thấy không có nhiều khác biệt của việc cơ quan nhà nước thực hiện thanh tra và kiểm tra đối với người dân và doanh nghiệp.

Công tác thanh tra, kiểm tra có một số phương hướng hoàn thiện như sau:

–         Thứ nhất, áp dụng triệt để quản lý rủi ro trong việc lựa chọn đối tượng bị thanh tra, kiểm tra, nhằm tránh tùy tiện.

Hiện nay, theo quan sát của các doanh nghiệp, việc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn đến kiểm tra đơn vị này mà không kiểm tra đơn vị khác tương đối thiếu minh bạch. Nhiều trường hợp đối tượng được lựa chọn kiểm tra vì lý do “tiện đường”, hay lý do cá nhân, thậm chí nhằm mục đích nhũng nhiễu. Có tình trạng doanh nghiệp quy mô càng lớn thì càng bị thanh tra, kiểm tra càng nhiều, tạo ra động lực lệch lạc trong phát triển doanh nghiệp. Để khắc phục được điều này cần áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro rộng rãi hơn. Theo đó, đối tượng được lựa chọn để thanh tra, kiểm tra dựa trên mức độ rủi ro vi phạm của đối tượng đó. Hiện nay, việc quản lý rủi ro đã được thực hiện tương đối ổn định trong lĩnh vực hải quan và bắt đầu áp dụng trong kiểm tra thuế và mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Cơ quan nhà nước không cần tăng nguồn lực để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra mà vẫn đem lại hiệu quả tối đa trong việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm pháp luật.

–         Thứ hai, cần áp dụng nguyên tắc cán bộ, cơ quan nhà nước khi thanh tra, kiểm tra không được yêu cầu người dân hoặc doanh nghiệp xuất trình các giấy tờ mà các cơ quan nhà nước đã có.

Nhiều trường hợp có phản ánh từ phía doanh nghiệp và người dân về việc cơ quan nhà nước yêu cầu các giấy tờ mà chính cơ quan đó hoặc cơ quan khác của nhà nước đã có. Ví dụ, cả chi cục bảo vệ môi trường và chi cục bảo vệ thực vật đều yêu cầu doanh nghiệp cho xem báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, trong khi hồ sơ này luôn được lưu ở chi cục bảo vệ môi trường. Hiện nay, Luật Quản lý thuế (sửa đổi bởi Luật 71/2014/QH13) đã có quy định về việc các cơ quan thuế không được yêu cầu doanh nghiệp xuất trình những hồ sơ mà ngành tài chính đã có. Nếu nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi sẽ giúp giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của các doanh nghiệp và người dân rất nhiều.

–         Thứ ba, cần áp dụng nguyên tắc phân biệt rạch ròi về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra về nội dung giữa các cơ quan nhà nước.

Một trong những tình trạng phổ biến là hiện nay nhiều cơ quan nhà nước cùng có thẩm quyền kiểm tra một nội dung đối với người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng phải tiếp rất nhiều các đoàn thanh tra, kiểm tra từ nhiều cơ quan nhà nước mà nội dung thanh tra, kiểm tra hoàn toàn giống nhau. Do đó, cần phải phân định rạch ròi thẩm quyền về nội dung thanh tra, kiểm tra để từ đó giảm gánh nặng bị thanh tra, kiểm tra của doanh nghiệp và người dân.

Trên đây là một số ý kiến góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Hành chính công, đề nghị Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cân nhắc, tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Đại biểu Quốc hội./.