Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Góp ý DTTTLT sửa đổi, bổ sung một số điều tại TTLT số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ
27/07/2016 23:24' Gửi bài này In bài này

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở nghiên cứu của chuyên gia và góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Về quan điểm tiếp cận, VCCI hiểu rằng việc xây dựng Dự thảo này là một trong các nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm xử lý tình trạng giá cước vận tải vẫn được các doanh nghiệp giữ ở mức cao trong khi giá xăng đã giảm sâu gây bức xúc lớn trong dư luận người tiêu dùng. Các nỗ lực với mục tiêu này là rất có ý nghĩa với người tiêu dùng, đồng thời cũng là cách thức để ngăn chặn, phòng ngừa các tình huống cạnh tranh không lành mạnh, bất hợp lý tương tự trong tương lai ở ngành này cũng như các ngành khác. Vì vậy, về nguyên tắc, VCCI ủng hộ cách thức hành động kịp thời và có trách nhiệm này của Quý Cơ quan.

Mặc dù vậy, cũng đứng từ khả năng tác động lâu dài và lan tỏa tới các ngành khác, các biên pháp được lựa chọn không những cần nhấn mạnh tính hiệu quả trong thực hiện mục tiêu kiểm soát đặt ra mà còn phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy định pháp luật, không can thiệp trái pháp luật vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp và không tạo ra méo mó trong cạnh tranh.

Với quan điểm này, dường như các biện pháp được đề xuất trong Dự thảo chưa đảm bảo được các yêu cầu nói trên, và vì vậy có lẽ cần được cân nhắc lại.

Cụ thể:

  1. Về sự phù hợp của các biện pháp đề xuất với Luật Giá và các văn bản có liên quanKhoản 9 Điều 4 Luật Giá năm 2010 quy định “Kê khai giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gửi thông báo mức giá hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi định giá, điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải kê khai giá”. Theo quy định này, kê khai giá đang được hiểu là một thủ tục thông báo – tức là mang tính chất cung cấp thông tin. Và thủ tục này chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp có sự điều chỉnh giá.

    Tương tự, Điều 16 Nghị định 177[1] quy định về thực hiện kê khai giá, theo đó “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá thực hiện kê khai giá bằng việc gửi thông báo mức giá kê khai đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận thông báo kê khai giá trước khi định giá, điều chỉnh giá ít nhất 05 ngày”. Có thể thấy, thực hiện kê khai giá tại Nghị định 177 được thiết kế theo hướng của thủ tục thông báo – tức là doanh nghiệp chỉ phải gửi thông tin về mức giá sẽ được áp dụng cho các cơ quan có thẩm quyền.

    Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo dường như chưa đảm bảo tuân thủ bản chất “thông báo” này của hoạt động kê khai giá như tại Luật Giá và Nghị định 177, cụ thể:

  1. Về quy định buộc phải công khai lại giá khi giá nhiên liệu đầu vào giảmSo với Thông tư liên tịch 152, Dự thảo đã bổ sung thêm trường hợp kê khai lại giá đó là “Giá nhiên liệu đầu vào giảm từ 20% trở lên so với giá nhiên liệu tại thời điểm kê khai liền kề trước, thì tối đa sau 5 ngày kể từ ngày giá nhiên liệu được điều chỉnh giảm, đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai hoặc thông báo giá theo quy định phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu” (khoản 1 Điều 1 sửa đổi điểm c khoản 5 Điều 3 Thông tư liên tịch 152).

    Quy định này là chưa phù hợp với Luật cũng như Nghị định 177 về “kê khai giá” ở ít nhất các điểm sau:

  •          Về thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá: Theo quy định tại Luật và Nghị định 177 thì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá khi có điều chỉnh giá đối với dịch vụ mà mình cung cấp. Như vậy, thời điểm doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục này là khi doanh nghiệp có động thái trong điều chỉnh giá – tức xuất phát từ yếu tố chủ quan của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp quyết định thay đổi về giá. Trong khi đó, Dự thảo lại đặt ra trường hợp khách quan mà doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện kê khai lại giá, do đó mâu thuẫn với quy định tại Luật và Nghị định 177 về điều kiện (hay thời điểm) kê khai giá;
  •          Về Quyền tự định giá của doanh nghiệp: Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 15 Nghị định 177 “Cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ; cước vận tải hành khác bằng taxi” không phải là dịch vụ do Nhà nước định giá hay thuộc Danh mục bình ổn giá. Điều này được hiểu, quyền định giá dịch vụ này thuộc về doanh nghiệp và quyền này được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ theo nguyên tắc ghi nhận tại khoản 1 Điều 5 Luật Giá. Biện pháp tại Dự thảo bắt buộc doanh nghiệp phải kê khai lại giá cho “phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu” khi có sự biến động về giá nhiên liệu đầu vào, do đó, mâu thuẫn với quy định tại Luật và Nghị định 177 và can thiệp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp, một trong các quyền đã được ghi nhận rõ trong Luật Doanh nghiệp 2014.Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về việc kê khai giá bắt buộc khi giá nhiên liệu giảm (tại đoạn 1, điểm c, khoản 5 Điều 3 (sửa đổi).

    Trên thực tế, ở nhiều nước khác, kể cả các có môi trường cạnh tranh phát triển không phải không từng xảy ra những hiện tượng như thế này. Tuy nhiên, biện pháp mà họ đã sử dụng để chống lại các hiện tượng này hoàn toàn dựa vào công cụ của pháp luật cạnh tranh. Cụ thể, nhiều nước đã khép các hành vi tương tự như thế này vào diện “thỏa thuận ấn định giá nhằm hạn chế cạnh tranh” ngầm (nói cách khác, hành vi của các doanh nghiệp đồng loạt giữ giá như cũ trong khi giá nguyên liệu giảm sẽ được xem là có thỏa thuận ngầm giữa các doanh nghiệp về thống nhất giá, vi phạm pháp luật cạnh tranh). Luật Cạnh tranh 2005 của Việt Nam cũng có quy định tương tự pháp luật các nước, cụ thể là cấm về hành vi thỏa thuận ấn định giá (Điều 8.1 Luật Cạnh tranh), và vì vậy về nguyên tắc có thể sử dụng trong các trường hợp như thế này.

    Chú ý là nhiều chuyên gia có xu hướng giải thích hành vi tại Điều 8.1 Luật Cạnh tranh theo hướng thỏa thuận ấn định giá phải bắt buộc là có dưới hình thức chính thức, ví dụ phải chứng minh bằng văn bản thỏa thuận, bằng lời nói mang tính thỏa thuận. Trên thực tế, đây dường như là cách giải thích sai lầm, bởi Luật Cạnh tranh không có quy định nào giới hạn “thỏa thuận” này ở các hình thức bắt buộc nào, nói cách khác thỏa thuận có thể được hiểu là tồn tại khi các doanh nghiệp cùng hành động giống nhau (hay còn gọi là thỏa thuận ngầm định). Đây là cách giải thích rất phổ biến và hiệu quả trong áp dụng pháp luật cạnh tranh ở nhiều nước (và pháp luật của họ cũng chỉ có quy định tương tự pháp luật cạnh tranh Việt Nam, tức là chỉ quy định hành vi bị cấm, không quy định về hình thức cụ thể nào).

  1. Về quy định kiếm soát việc áp dụng phụ thu (nếu có) trong dịp Tết Nguyên đánBên cạnh việc đưa ra biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng cạnh tranh bất hợp lý (giá thành cao như giá đầu vào giảm), Dự thảo còn có một nhóm quy định liên quan tới việc kiểm soát phụ thu trong dịp Tết Nguyên đán. Nhóm quy định này được hiểu nhằm đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng trước thực trạng gần đến dịp Tết Nguyên đán, giá vé vận tải hành khách tăng cao so với giá vé của ngày thường. Mặc dù nhóm quy định này không gắn với mục tiêu kiểm soát cạnh tranh nói trên, nhưng biện pháp sử dụng (đặt ra giới hạn về mức tăng, cho phép các tuyến đường được phép phụ thu, thời hạn được tăng) dường như cũng chưa phù hợp với pháp luật về giá tương tự như biện pháp buộc kê khai lại giá khi giá nguyên liệu giảm nói ở trên.

    Cụ thể, Dự thảo quy định “Tùy tình hình thực tế địa phương, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quy định thời gian phụ thu tối đa trong 10 ngày trước và 10 ngày sau mùng 1 Tết Âm lịch, tuyến vận tải được phụ thu, tỷ lệ phụ thu tối đa không quá … %”.

    Quy định này là sự can thiệp trực tiếp vào quyền tự định giá của doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải ô tô bằng đường bộ mà không dựa trên bất kỳ căn cứ pháp luật nào. Cụ thể, theo quy định tại Luật Giá dịch vụ vận tải hành khách không phải là loại dịch vụ “thiết yếu cho sản xuất, đời sống” (được xác định trong Điều 15 Luật Giá) hay là các dịch vụ do Nhà nước định giá (Điều 19 Luật Giá) (tại thời điểm xây dựng Luật Giá, đã có sự cân nhắc rất kỹ càng trong việc xác định các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc diện thực hiện bình ổn giá; do Nhà nước định giá để đảm bảo không can thiệp vào sự phát triển của thị trường. Những dịch vụ, hàng hóa không được xếp vào các Danh mục này, được hiểu là những loại hàng hóa, dịch vụ không cần sự can thiệp của Nhà nước trong việc quyết định giá trong khi quyền lợi công cộng vẫn được đảm bảo). Vì vậy, việc Dự thảo quy định về quyền quyết định của cơ quan hành chính Nhà nước về “thời gian phụ thu tối đa và mức phụ thu”, hay nói cách khác là coi dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô là đối tượng phải quản lý giá (cụ thể ở đây là quản lý khoảng thời gian được phép áp dụng giá có phụ thu) là không phù hợp với Luật Giá.

    Nhu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng các doanh nghiệp vận tải nhân dịp Tết để nâng cao giá vận tải tận dụng tình trạng nhiều người tiêu dùng bắt buộc phải sử dụng dịch vụ vận tải vào dịp này là hoàn toàn chính đáng. Mặc dù vậy, biện pháp được đề xuất trước hết phải đảm bảo tuân thủ các quy định liên quan về giá, không thể vì một trường hợp đơn lẻ mà vi phạm pháp luật về giá, tạo tiền lệ cho các trường hợp can thiệp bất hợp pháp vào quyền định giá sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp

    Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định “Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải áp dụng phụ thu … Đồng thời thực hiện gửi thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá theo hướng dẫn tại Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện” (tức là bỏ quy định đoạn 2 điểm b khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch 152 (sửa đổi)).

  2. Quy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giáQuy trình tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá đang được thiết kế theo hướng (quy định tại Điều 16 Thông tư 56[2], điểm c khoản 7 Điều 3 Thông tư liên tịch 152 sửa đổi):
  •          Doanh nghiệp gửi Văn bản có đủ thành phần, số lượng tới cơ quan có thẩm quyền;
  •          Nếu văn bản không đủ thành phần, số lượng theo quy định thì bị trả lại để sung;
  •          Nếu văn bản đầy đủ thành phần, số lượng thì cơ quan tiếp nhận sẽ xem xét về nội dung của Văn bản trong đó có phần “giải trình lý do điều chỉnh giá”
  •          Nếu phần giải trình lý do điều chỉnh giá không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giám giá thì phải giải trình lại;
  •          Sau 03 lần giải trình nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận có văn bản yêu cầu doanh nghiệp mua, bán hàng hóa, dịch vụ theo mức giá trước khi thực hiện kê khai giáĐây không phải quy trình mới (bởi đã có trong Thông tư 56) nhưng về bản chất thì  với thủ tục này, kê khai giá đã không còn bảo đảm được tính chất là một thủ tục thông báo như quy định tại Luật Giá nữa mà tương tự như một quy trình xét duyệt về giá, theo đó cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét về “lý do điều chỉnh giá”; “sự phù hợp của lý do điều chỉnh”, nếu doanh nghiệp không giải trình phù hợp sẽ không được phép tăng/giảm giá.

    Để đảm bảo thống nhất với với Luật Giá và đảm bảo sự phát triển của thị trường cạnh tranh, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận văn bản kê khai giá tại Dự thảo (và đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 56 do vi phạm quy định của Luật Giá) theo hướng là thủ tục thông báo, tức là cơ quan nhà nước nhận thông tin về giá dịch vụ mà doanh nghiệp kê khai, không xem xét các yếu tố để điều chỉnh giá của doanh nghiệp.

  1. Các quy định về thủ tục hành chính chưa minh bạch và chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

(Chú ý: các góp ý dưới đây được thực hiện thuần túy từ góc độ minh bạch, không làm ảnh hưởng tới các góp ý nói trên về tính hợp pháp của quy định trong Dự thảo)

Dự thảo có điều chỉnh một số quy định tại Thông tư liên tịch 152 liên quan đến thủ tục hành chính, tuy nhiên có một số điểm chưa đủ rõ ràng và có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

  •          Cơ quan tiếp nhận văn bản kê khai giá: Điểm a khoản 4 Điều 3 (sửa đổi) quy định, Sở Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá, tuy nhiên trong “trường hợp cần thiết thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận văn bản kê khai giá của một số đơn vị kinh doanh vận tải thuộc quận, huyện quản lý”. Đứng dưới góc độ của doanh nghiệp – đối tượng phải thực hiện thủ tục này, làm sao để biết được cơ quan nhà nước nào được phân công tiếp nhận văn bản kê khai giá? Cần phải có quy định để đảm bảo doanh nghiệp biết được cơ quan nào tiếp nhận văn bản kê khai giá. Đề nghị Ban soạn thảo quy định vấn đề này trong Dự thảo;
  •          Cách thức thực hiện kê khai giá:Điểm a khoản 7 Điều 3 (sửa đổi) quy định, doanh nghiệp phải lập “03 văn bản kê khai giá gửi trực tiếp tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hoặc gửi qua đường công văn, trong đó gửi 02 văn bản kê khai giá cho Sở Giao thông vận tải, 01 văn bản kê khai giá cho Sở Tài chính”. Quy định này là chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính ở điểm: Sở Giao thông vận tải được xác định là cơ quan chủ trì tiếp nhận văn bản kê khai giá (điểm a khoản 4 Điều 3), tại sao doanh nghiệp lại phải gửi văn bản kê khai giá đến 2 cơ quan? So với quy định tại Thông tư liên tịch 152, thủ tục kê khai giá tại Dự thảo là kém thuận lợi hơn khi phải thực hiện đồng thời ở hai nơi, thay vì 1 nơi như quy định hiện hành. Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ đang triển khai, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, doanh nghiệp chỉ phải gửi văn bản kê khai giá tới Sở Giao thông vận tải và giữa các cơ quan nhà nước cần có sự trao đổi thông tin với nhau trong lĩnh vực quản lý.
  •          Thông báo về phụ thu:

Như góp ý ở phần trên về việc bãi bỏ quy định về việc các ràng buộc trong phụ thu quy định tại điểm b khoản 7 Điều 3 (sửa đổi), đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định thủ tục thông báo về các khoản phụ thu.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15 tháng 10 năm 2014 của liên Bộ Tài chính – Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 


[1] Nghị định số 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/11/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Giá

[2] Thông tư số 56/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 28/4/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá