Trang chủ Diễn đàn góp ý PL

Bà Đinh Thị Kim Anh – Giám đốc Ban Pháp chế NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội góp ý Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC
06/11/2015 22:05' Gửi bài này In bài này
  1. Khoản 10 Điều 3 được bổ sung tại Dự thảo Thông tư có nêu “10. Trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường (sau đây gọi là trái phiếu) là giấy tờ có giá có thời hạn do Công ty Quản lý tài sản phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo giá thị trường”. Nội dung bổ sung này cần xem xét lại như sau:Đề nghị bỏ cụm từ “có thời hạn” sau cụm từ “giấy tờ có giá” tại Dự thảo Thông tư và tại khoản 8 Điều 2 Thông tư 19/2013/TT-NHNN; bởi vì theo khoản 8 Điều 6 về “Giải thích từ ngữ” Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 có nêu rõ “Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác.” Trái phiếu cũng là một loại giấy tờ có giá và luôn có thời hạn nhất định nên không cần thiết phải có cụm từ “có thời hạn” nữa
  2. Công ty Quản lý tài sản trong Dự thảo Thông tư này và cả Thông tư 19/2013/TT-NHNN có phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, …) về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay không? Bởi vì tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN và Dự thảo Thông tư này đều không đề cập đến nội dung này, vậy sẽ được hiểu là Công ty Quản lý tài sản phải tuân thủ các hạn chế, quy định của các văn bản pháp luật có liên quan về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Và nếu Công ty Quản lý tài sản không đáp ứng được các điều kiện phát hành trái phiếu theo đúng các quy định đó thì bên nắm giữ trái phiếu, trái phiếu đặc biệt (ở đây là các TCTD bán nợ) sẽ có rủi ro lớn, đặc biệt là rủi ro pháp lý khi tranh chấp bị khởi kiện ra tòa án. Xét trên khía cạnh kinh tế và pháp lý, TCTD bán nợ và sở hữu trái phiếu thì cũng phải thẩm định doanh nghiệp phát hành trái phiếu đó có đủ điều kiện để phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật không. Do đó, trường hợp Công ty Quản lý tài sản có một cơ chế riêng cho việc phát hành trái phiếu, trái phiếu đặc biệt thì cần nêu rõ trong Dự thảo Thông tư về việc: Công ty Quản lý tài sản không phải tuân thủ các điều kiện, ràng buộc hay hạn chế của tổ chức phát hành trái phiếu nêu tại các văn bản pháp luật có liên quan. Nội dung này là cần thiết để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng của điều luật, tránh trường hợp có nhiều cách hiểu khác nhau, đồng thời cũng là để bảo vệ quyền lợi của chính Công ty quản lý tài sản và các TCTD bán nợ tham gia giao dịch mua bán nợ xấu.
  3. Tại khoản 9 Điều 9 về “Giải thích từ ngữ” trong Thông tư 19/2013/TT-NHNN có quy định về “ngày phát hành trái phiếu đặc biệt”; vậy với Dự thảo Thông tư mới bổ sung về trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường thì có gì khác biệt về ngày phát hanh trái phiếu không? Nếu có sự khác biệt thì cần bổ sung thêm vào mục giải thích từ ngữ, nếu không có gì khác biệt thì cũng cần sửa khoản 9 Điều 9 này theo hướng, bổ sung thêm cả trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường vào định nghĩa này, tránh trường hợp có hai loại trái phiếu khác nhau nhưng chỉ quy định về ngày phát hành trái phiếu của một loại. Điều này sẽ tạo ra sự không nhất quán, sự thiếu minh bạch trong các điều luật, gây rắc rối cho các tổ chức, cá nhân khi áp dụng pháp luật
  4. Đề nghị xem lại quy định tại khoản 2 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư (được nêu tại khoản 8 Điều 1 của Dự thảo Thông tư), theo đó khoản này quy định trái phiếu, trái phiếu đặc biệt là trái phiếu không được chuyển nhượng. Tuy nhiên, trái phiếu và trái phiếu đặc biệt lại được tham gia nghiệp vụ thị trường mở như nêu tại khoản 5 Điều này. Nếu tham gia nghiệp vụ thị trường mở thì các TCTD bán nợ có sở hữu trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được bán có kỳ hạn hoặc bán hẳn trái phiếu này cho Ngân hàng Nhà nước. Hơn nữa, quy định này cũng mâu thuẫn và không phù hợp với quy định tại điểm e khoản 2 Điều 15 được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư; điểm e khoản 2 Điều 15 có nêu “Không được chuyển nhượng trái phiếu cho tổ chức, cá nhân khác, ngoại trừ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”. Do đó, đề nghị bổ sung thêm vào khoản 2 này nội dung “trừ trường hợp chuyển nhượng cho NHNN khi tham gia nghiệp vụ thị trường mở và chuyển nhượng trái phiếu cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”
  5. Đề nghị xem lại quy định tại khoản 7 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư (được nêu tại khoản 8 Điều 1 của Dự thảo Thông tư) và điểm c khoản 2 Điều 15 được sửa đổi bổ sung tại Dự thảo Thông tư, cụ thể tại khoản này có nêu “Tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu không phải trích lập dự phòng rủi ro”. Điều này có nghĩa là: với việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản và nhận trái phiếu để mua nợ xấu theo giá thị trường thì các TCTD bán nợ không phải trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư trái phiếu này, trong khi việc bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản và nhận trái phiếu đặc biệt thì vẫn phải trích lập dự phòng? Quy định này là không có cơ sở pháp lý cũng như thực tế, bởi vì rủi ro (nếu có) là như nhau, vì cùng một khoản nợ xấu, cùng một công ty phát hành trái phiếu thì không thể có việc trái phiếu này rủi ro còn trái phiếu khác không rủi ro nên không phải trích lập. Thực tế, việc trích lập dự phòng rủi ro để tránh trường hợp tổ chức phát hành trái phiếu đó không có khả năng thanh toán gốc và lãi trái phiếu (do năng lực tài chính kém,…) chứ không phân biệt theo loại trái phiếu. Do đó, đề nghị bổ sung thêm trường hợp TCTD bán nợ nhận sở hữu trái phiếu đặc biệt cũng không phải trích lập dự phòng rủi ro. Bởi vì cơ sở để không phải trích lập ở đây là Công ty quản lý tài sản có đủ năng lực và tài chính để bảo đảm trả nợ gốc và lãi trái phiếu (dù là loại trái phiếu nào).
  6. Đề nghị bổ sung vào cuối khoản 2 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư (được nêu tại khoản 9 Điều 1 của Dự thảo Thông tư) cụm từ “và thỏa thuận giữa các bên tại Hợp đồng mua bán nợ”
  7. Về Điều 17A được bổ sung nêu tại khoản 11 Điều 1 Dự thảo Thông tư: điều này cơ bản quy định thủ tục mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản. Tuy nhiên, TCTD bán nợ xấu lại thực hiện các bước thủ tục trình NHNN như là một thủ tục hành chính, trong khi Công ty Quản lý tài sản – là đơn vị mua nợ xấu và phát hành trái phiếu lại không tham gia ở bất kỳ nội dung nào trừ việc cho ý kiến khi NHNN lấy ý kiến và ký kết Hợp đồng mua bán nợ với TCTD bán nợ khi NHNN đã duyệt. Đồng thời, các thủ tục xin ý kiến NHNN đều do các TCTD bán nợ thực hiện. Quy định này cho thấy sự tham gia mang nặng tính hành chính của NHNN vào hoạt động ngân hàng; cho thấy Công ty Quản lý tài sản chỉ giữ vai trò như đơn vị hành chính được “chỉ định” ký Hợp đồng mua bán trái phiếu đặc biệt. Điều này là không hợp lý kể cả trong một giao dịch cần có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thiết nghĩ, cần phải sửa đổi lại khoản 17a theo hướng TCTD và Công ty Quản lý tài sản cùng làm hồ sơ trình xin ý kiến NHNN về việc cho phép mua bán nợ xấu và thời hạn của trái phiếu đặc biệt. Công ty Quản lý tài sản là đơn vị phát hành trái phiếu đặc biệt, là tổ chức đứng ra mua nợ thì phải nắm rõ nhất các vấn đề về ưu – nhược, lợi nhuận hay rủi ro, ….cũng như phải có trách nhiệm thẩm định, đánh giá giao dịch này. Do đó, Công ty Quản lý tài sản phải là đơn vị xin ý kiến và trên cơ sở đó NHNN duyệt.
  8. Đề nghị xem xét lại quy định về lãi suất tại Điều 28 được sửa đổi bổ sung ở Dự thảo Thông tư: theo đó việc điều chỉnh lại lãi suất cho vay đối với những khoản nợ xấu đã mua cần có sự đồng ý của khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký, trừ trường hợp điều chỉnh giảm lãi suất.
  9. Khoản 20 Điều 1 của Dự thảo Thông tư có nêu “sửa đổi, bổ sung tên Điều 43 như sau:…” là có sự nhầm lẫn, vì điều cần sửa đổi và được sửa đổi là Điều 42, đề nghị sửa lại thành Điều 42.
  10. Điểm b khoản 1 Điều 43a trong Dự thảo Thông tư có nêu “Nếu tổ chức tín dụng bán nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu phát hành để mua khoản nợ xấu đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu quý tiếp theo, Công ty Quản lý tài sản sử dụng số tiền thu hồi nợ trong quý để trả nợ vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đó và khấu trừ số tiền này vào tổng số tiền Công ty Quản lý tài sản phải trả cho tổ chức tín dụng bán nợ khi thanh toán trái phiếu”. Điều này có nghĩa là khi TCTD bán nợ đã sử dụng trái phiếu do Công ty Quản lý Tài sản phát hành làm tài sản bảo đảm để nhận tái cấp vốn thì Công ty Quản lý tài sản được dùng số tiền thu nợ từ Khách hàng để trả nợ vay tái cấp vốn cho TCTD bán nợ và được khấu trừ số tiền này vào tổng số tiền phải thanh toán cho TCTD bán nợ khi trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, Điều này có hai vấn đề chưa được làm rõ, đó là: chưa quy định cụ thể về việc Công ty Quản lý Tài sản sẽ thanh toán trực tiếp cho NHNN hay thanh toán cho TCTD bán nợ để TCTD bán nợ thanh toán cho NHNN để trả nợ khoản vay tái cấp vốn? Ngoài ra, nếu số tiền này đã được sử dụng để cấn trừ vào nghĩa vụ thanh toán của Công ty Quản lý Tài sản khi trái phiếu đáo hạn thì giá trị trái phiếu phải giảm đi tương ứng nhưng không có quy định nào về việc ghi nhận nội dung này trên trái phiếu đã phát hành. Điều này dẫn đến rủi ro trong các giao dịch ở nghiệp vụ thị trường mở và giữa các TCTD với nhau khi TCTD bán nợ sử dụng trái phiếu đó đi giao dịch (mà bên nhận giao dịch không có thông tin về việc chiết trừ phần tiền Công ty Quản lý Tài sản đã thanh toán). Lưu ý là tại điểm đ và e Điều 15 được sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Thông tư thì trái phiếu vẫn được giao dịch giữa các TCTD với nhau và với chinhánh ngân hàng nước ngoài.
  11. TCTD bán nợ và sở hữu trái phiếu và trái phiếu đặc biệt có phải tính vào dư nợ cấp tín dụng trong tổng dư nợ cấp tín dụng theo Luật Các TCTD 2010 hay không.
  12. Khoản 7 Điều 50 có nêu “Tổ chức tín dụng mua lại khoản nợ xấu từ Công ty quản lý tài sản có trách nhiệm phân loại số tiền mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro không thấp hơn nhóm mà khoản nợ đó đã được phân loại trước khi bán cho Công ty Quản lý tài sản”; đề nghị sửa lại cụm từ “phân loại số tiền mua nợ vào nhóm có mức độ rủi ro…” thành “phân loại khoản nợ được mua vào nhóm có mức độ rủi ro…” vì chỉ có việc phân loại nhóm nợ chứ không có việc phân loại số tiền mua nợ. Hơn nữa, cũng cần xem lại tính hợp lý của quy định này, bởi vì giả sử khoản nợ tại thời điểm chuyển giao cho Công ty Quản lý tài sản là nhóm 5, nhưng qua quá trình quản lý theo dõi thì khách hàng có khả năng trả nợ tốt hơn, vì thế Công ty Quản lý tài sản bán lại được khoản nợ này chomột TCTD, vậy thì TCTD cần phải căn cứ vào thực tế và thực trạng khoản nợ mua bán để trích lập, chứ không thể căn cứ theo cách trích lập của TCTD bán nợ được.