Trang chủ Tin tức

Vụ tranh chấp tên miền tictours.vn: Luật có thực sự có kẽ hở?
29/07/2016 08:13' Gửi bài này In bài này

Vụ kiện hy hữu

Theo thông tin báo Tuổi Trẻ cung cấp, Trung tâm Du lịch Tictours do ông T. làm giám đốc là đơn vị thuộc Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa. Trung tâm có đăng ký tên miền tictours.vn tại Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) từ tháng 10-2010. Đến ngày 30-3-2015, ông T. có văn bản xin trả tên miền tictours.vn với lý do không còn nhu cầu sử dụng.

Ông T. nghỉ việc ở Trung tâm Du lịch Tictours vào ngày 1-4-2015 thì vào ngày 2-4-2015, với tư cách Giám đốc Công ty Tictours Travel do mình mới thành lập, ông T. đã gửi văn bản xin đăng ký tên miền tictours.vn cho Công ty Tictours Travel. Sau đó Công ty Tictours Travel được VNNIC chấp thuận cho đăng ký tên miền tictours.vn.

Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa kiện Công ty Tictours Travel ra tòa, yêu cầu tòa buộc Công ty Tictours Travel trả lại tên miền tictours.vn với lý do là ông T. đã tự ý làm văn bản trả tên miền, đóng dấu Trung tâm Du lịch Tictours mà không ai biết vì ông không báo cáo, cũng không để lại văn bản lưu.

Cái kết đầy tranh cãi

Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều căn cứ vào thủ tục trả lại tên miền và đăng ký tên miền để cho rằng tại thời điểm trả lại tên miền tictours.vn, ông T. vẫn là giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours nên ông ấy có thẩm quyền trả tên miền. Sau khi ông T. trả tên miền thì từ ngày 30-3-2015, tên miền tictours.vn ở trạng thái tự do, không còn thuộc sở hữu của Trung tâm Du lịch Tictours. Do vậy, dù chỉ một ngày sau đó, ngày 2-4-2015, Công ty Tictours Travel đăng ký và được chấp nhận sử dụng tên miền này, theo tòa, là phù hợp với quy định.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như không quan tâm đến quy định về nghĩa vụ của người quản lý doanh nghiệp nên khi bị xâm hại, không biết cách sử dụng cơ chế bảo vệ mà luật cho phép.

Sau khi tòa phán quyết, tranh cãi đã nổ ra theo hai hướng. Một số người cho rằng đây là “âm mưu” của ông T., là việc “qua cầu rút ván”. Nhưng có người lại khen ông T. “đã thắng bằng cái đầu” và có thể “ngồi rung đùi sử dụng các lợi ích mà domain mang lại”.

Trong trường hợp này, Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa bị thiệt hại lớn về kinh doanh nhưng lại thua trắng trong vụ kiện. Vậy tại sao luật lại không bảo vệ nguyên đơn khi rõ ràng quyền lợi của họ bị xâm phạm? Phải chăng luật có kẽ hở? Phần phân tích dưới đây cung cấp một góc nhìn khác về pháp lý để giải quyết vụ việc đúng với bản chất của nó.

Vụ án tiêu biểu về nghĩa vụ của người quản lý công ty

Nghĩa vụ của người quản lý là nền tảng của pháp luật công ty Anh – Mỹ. Theo đó, các thành viên là người chủ công ty nhưng giao việc điều hành công ty cho người quản lý. Khi trao quyền, người chủ đòi hỏi người quản lý phải tuân thủ các nghĩa vụ cơ bản, đó là nghĩa vụ cẩn trọng, trung thành và không mâu thuẫn lợi ích với công ty. Cụ thể, luật công ty Anh – Mỹ buộc người quản lý phải (i) thực hiện quyền hạn được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp tối đa của công ty; (ii) trung thành với lợi ích của công ty và người chủ công ty;  (iii) không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của công ty, không sử dụng địa vị, chức vụ và tài sản của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Khi soạn thảo Luật Doanh nghiệp 1999, các nhà làm luật cũng đưa quy định này vào luật và duy trì cho đến Luật Doanh nghiệp 2014 hiện hành.

Trong vụ việc này, chúng ta thấy ông T. đã trả lại tên miền tictours.vn khi Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa không biết và ngay sau khi nghỉ việc tại Trung tâm Du lịch Tictours, ông T. đã đăng ký tên miền tictours.vn cho Công ty Tictours Travels do ông thành lập. Nếu áp dụng nghĩa vụ của người quản lý vào đây kết quả sẽ thế nào? Sẽ dễ dàng nhận thấy cả ba nghĩa vụ trên đều đã bị vi phạm.

Như thế, xét về bản chất, đây là một vụ kiện về nghĩa vụ của người quản lý công ty, chứ không phải tranh chấp tên miền giữa Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa và Công ty Tictours Travels. Việc khởi kiện Công ty Tictours Travels để đòi lại tên miền không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Kết quả là Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa thua nhưng phán quyết của tòa án không hẳn sai – tòa án chỉ giải quyết theo yêu cầu trong đơn kiện.

Những vấn đề  pháp lý còn bỏ ngỏ

Mấu chốt của vụ án nằm ở chỗ: ông T. có phải là người quản lý trong Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa hay không? Nếu căn theo các sự kiện thực tế, câu trả lời có vẻ rõ ràng vì ông T. là Giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours thuộc công ty này. Giám đốc trung tâm này là một chức danh quản lý và nhờ nó, ông T. có quyền đại diện cho trung tâm trong quan hệ với bên thứ ba. Chính tòa án cũng khẳng định thẩm quyền đại diện cho trung tâm của ông T. khi tuyên văn bản trả tên miền do ông T. ký với tư cách giám đốc trung tâm là đúng quy định pháp luật. Dù vậy, về pháp lý, đây vẫn là điểm gây tranh luận.

Theo Luật Doanh nghiệp 2005, người quản lý trong công ty TNHH bao gồm chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc và các chức danh quản lý khác do điều lệ của công ty quy định.

Như vậy, để có thể quy trách nhiệm cho ông T., chúng ta cần hai điều kiện. Thứ nhất, điều lệ của Công ty Thương mại và Đầu tư Khánh Hòa phải ghi nhận Giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours là một chức danh quản lý của công ty. Thứ hai, điều lệ phải quy định nghĩa vụ của người quản lý như Luật Doanh nghiệp vừa nêu.

Nếu có đủ hai điều kiện trên, việc quy trách nhiệm cho người quản lý là không khó. Nhưng nếu điều lệ không ghi rõ như vậy, tòa án sẽ phải căn cứ vào thực tế của vụ án và lẽ công bằng để phán quyết. Một khi tòa án xác định người quản lý vi phạm nghĩa vụ của mình, tòa án hoàn toàn có quyền yêu cầu người quản lý chấm dứt hành vi vi phạm, bồi thường thiệt hại… Khi đó, câu chuyện về sự khôn ngoan của ông T. sẽ được xem xét về bản chất hơn là chỉ về trình tự và thủ tục. Nếu vậy, ta có thể kỳ vọng vào một phán quyết khác phù hợp chứ không phải cái kết đáng thất vọng, trái đạo đức kinh doanh như thế.

Doanh nghiệp quên quyền được luật bảo vệ?

Chế định về nghĩa vụ của người quản lý có thể coi là tinh hoa của pháp luật công ty Anh – Mỹ. Nó xử lý tận gốc vấn đề trách nhiệm của người quản lý khi điều hành công ty. Suy cho cùng, công ty cũng chỉ là công cụ để kinh doanh. Công cụ ấy được sử dụng như thế nào tuỳ thuộc vào người sử dụng công cụ đó – người quản lý. Nếu người quản lý có đạo đức, quản lý doanh nghiệp theo pháp luật và mong muốn của người chủ thì người chủ được hưởng lợi. Nếu người quản lý vô đạo đức, sử dụng doanh nghiệp cho mục đích trái pháp luật hoặc ngược với mong muốn của người chủ, người chủ bị thiệt hại.

Dù đã được du nhập vào Việt Nam từ Luật Doanh nghiệp 1999, hạt giống tốt này đã không sinh sôi và phát triển tốt tươi được trên mảnh đất cằn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam dường như không quan tâm đến quy định này nên khi bị xâm hại, không biết cách sử dụng cơ chế bảo vệ mà luật cho phép. Và doanh nghiệp đã thua đau trước những hành vi rõ ràng trái pháp luật và trái đạo đức kinh doanh.

Ở đây, luật không có kẽ hở, chỉ có điều nó đã bị lãng quên!


Trần Thanh Tùng – Võ Đình Đức

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài gòn điện tử

 

(1) Xem thêm tại http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20160501/xet-xu-vu-an-tranh-chap-ten-mien-hi-huu/1093720.html