Trang chủ Tin tức

Tiềm năng xuất, nhập khẩu sang thị trường châu Phi còn rất lớn
29/07/2016 08:14' Gửi bài này In bài này

– Xin ông cho biết, tình hình trao đổi kinh tế giữa Việt Nam và các nước châu Phi thời gian qua? 

Ông Hoàng Đức Nhuận: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm thúc đẩy thương mại với các nước châu Phi; đã có nhiều chuyến thăm cấp cao, nhiều cuộc thảo thuận được triển khai. Điển hình là cuộc thăm Việt Nam của Thứ trưởng Burkina Faso năm 2013; Quốc Vụ khanh Guinee Bissau năm 2014… Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại sang Benin (năm 2009), Bờ Biển Ngà (2010), Senegal (năm 2012). Đáng chú ý là nhiều bản ký kết hợp tác thương mại công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Burkina Faso (2013), Bộ Công Thương Guinee Bissau (2014); VCCI ký MOU hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Dakar Senegal, Phòng Thương mại và Công nghiệp Guinee Bissau…

Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam tới các nước châu Phi ngày càng phát triển. Nhiều doanh nghiệp quan tâm cơ hội đầu tư như Viettel, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thăm dò dầu khí tại nước Congo, Algérie; tập đoàn Hapro cũng đầu tư phát triển hệ thống tại một số nước trong khu vực…

– Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường châu Phi – Tây Á – Nam Á, xin ông đánh giá tiềm năng phát triển của thị trường châu Phi đối với Việt Nam?

Ông Hoàng Đức Nhuận: Theo tôi, hai bên đều có thế mạnh và tiềm năng mang tính bổ sung cho nhau. Việt Nam có nhiều mặt chủ lực mà châu Phi rất cần như gạo, lương thực thực phẩm khác, tiêu, cà phê, hàng dệt may, hải sản. Ngược lại, châu Phi có nhiều tiềm năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho Việt Nam như: điều thô, gỗ, bông nguyên liệu, dầu thô… Đây là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu rất lớn phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, trong năm 2015, châu Phi tiếp tục là thị trường cung cấp các loại nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ khu vực này gồm hạt điều, bông, gỗ và sắt thép phế liệu, kim loại. Các đối tác nhập khẩu chính của Việt Nam gồm Bờ Biển Ngà (451 triệu USD), Cameroon (163 triệu USD), Tanzania (140 triệu USD), Ghana (137 triệu USD), Nigeria (131 triệu USD), Nam Phi (115 triệu USD), Benin (106 triệu USD), Mauritius (92,46 triệu USD).

Trong toàn bộ thị trường châu Phi, thì thị trường Tây Phi được đánh giá tốt hơn cả khi từ tháng 1 năm 2000, Liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi – UEMOA áp dụng Biểu thuế quan Đối ngoại chung (TEC) của UEMOA có hiệu lực. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ các nước thứ ba (không phải là thành viên UEMOA) đều phải nộp thuế và phí căn cứ vào Biểu Thuế quan đối ngoại chung của UEMOA dù điểm vào UEMOA là nước nào đi chăng nữa. Tỷ suất thuế quan áp dụng phụ thuộc vào loại sản phẩm nhập khẩu với 4 loại thuế. Loại I gồm các mặt hàng chủ yếu thuộc danh sách hạn chế được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0%. Loại II gồm hàng hóa thiết yếu, nguyên liệu cơ bản, nguyên liệu đầu vào đặc trưng và trang thiết bị chịu mức thuế 5%. Loại III gồm nguyên liệu đầu vào và sản phẩm trung gian với thuế suất nhập khẩu 10%. Loại IV là thuế suất đánh vào hàng hóa thành phẩm nhập khẩu và những mặt hàng không thuộc 3 loại trên, mức thuế là 20%.

Cơ sở các loại thuế quan là giá trị CIF của hàng nhập khẩu. Các giấy tờ cần cung cấp gồm 1 hóa đơn thương mại, một giấy chứng nhận xuất xứ đối với các nước thứ ba (không thuộc UEMOA) và một chứng chỉ EUR1. Để xác định loại sản phẩm của doanh nghiệp thì có thể tra cứu danh mục hải quan hiện hành của Bờ Biển Ngà phù hợp với Hệ thống hài hòa.

– Thưa ông, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam bị các đối tác ở thị trường châu Phi lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi thực hiện giao dịch xuất nhập khẩu, xin ông cho biết cụ thể hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng này?

Ông Hoàng Đức Nhuận: Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương liên tiếp đưa ra những cảnh báo về hiện tượng lừa đảo khi xuất khẩu, đặc biệt là trên mạng internet ở các nước khu vực châu Phi như Algérie, Ai Cập, Maroc, Nam Phi, Nigeria… Đồng thời nêu đích danh một số tổ chức, cá nhân lừa đảo ở khu vực này.

Tuy nhiên, do tâm lý chủ quan, nghiệp vụ ngoại thương hạn chế nên một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị lừa mất tiền. Các đối tượng lừa đảo thường chủ động liên hệ với các doanh nghiệp Việt Nam qua email hoặc doanh nghiệp Việt Nam tự tìm kiếm đối tác châu Phi trên các trang mạng quốc tế như Alibaba.

Hình thức lừa đảo chủ yếu áp dụng là đề xuất ký những hợp đồng có giá trị lớn, thực hiện dễ dàng. Sau đó yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam đặt cọc hoặc trả trước chi phí như phí nhập khẩu, giao dịch, phí trúng thầu… Sau khi nhận được khoản phí này thì các đối tượng cắt đứt mọi liên lạc với doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp thứ hai cũng thường xuyên xuất hiện là lừa tiền đặt cọc của doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ châu Phi… Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến gỗ, bông, hạt điều thô, sắt thép phế liệu… thường hay bị lừa khoảng đặt cọc phí 10- 30% giá trị hợp đồng do bị cắt đứt mọi liên hệ sau khi nhận được tiền.

– Ông có khuyến cáo như thế nào đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang thị trường này?

Ông Hoàng Đức Nhuận: Để tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tìm kiếm thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh ở các trang web chính thức của Bộ Công Thương như Vietnamexport.com hoặc Moit.gov.vn cũng như tham khảo thông tin của các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Hạn chế tìm kiếm hoặc giao dịch với các khách hàng qua các trang mạng internet khác. Như tôi biết, các doanh nghiệp châu Phi rất ít khi dùng internet để giao dịch, họ thích được giao dịch trực tiếp hơn. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải lưu ý khi giao dịch qua internet.

Khi thanh toán xuất nhập khẩu, doanh nghiệp nên đề nghị đối tác sử dụng L/C tức là thư tín dụng không hủy ngang mở tại các ngân hàng uy tín. Tuyệt đối không sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ), bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bị mất hàng. Nếu sử dụng hình thức thanh toán D/P, doanh nghiệp Việt Nam cần phải kèm theo điều khoản tiền đặt cọc, tốt nhất là 30% trở lên.

Đặc biệt, cần tiến hành kiểm định hàng hóa thông qua tổ chức giám định quốc tế có uy tín tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu. Đối với những đơn hàng đầu tiên, chỉ nên mua với khối lượng nhỏ. Khi đàm phán và ký kết hợp đồng với đối tác châu Phi, các doanh nghiệp nên lựa chọn những phương thức giao hàng, thanh toán an toàn, có lợi về mình, để tránh trường hợp nhà nhập khẩu không nhận hàng nhằm ép giảm giá. Hợp đồng phải quy định rõ cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.

Về phía Bộ Công Thương, thường xuyên tổ chức hội thảo tuyên truyền tiềm năng xuất nhập khẩu và biện pháp phòng ngựa rủi ro tại thị trường châu Phi. Doanh nghiệp cần phải tham gia các hội thảo này để nắm bắt những thông tin mới nhất của thị trường.

– Xin cảm ơn ông!Thanh Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân