Trang chủ Tin tức

Thương mại điện tử vẫn chưa phát huy được tiềm năng
29/07/2016 08:16' Gửi bài này In bài này

– Thưa Bà, thương mại điện tử có vai trò như thế nào trong đời sống hiện nay ?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhiễu: Thương mại điện tử hiện không còn xa lạ với nhiều quốc gia, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế; đồng thời, cả người mua và người bán sẽ tránh được rủi ro khi sử dụng tiền mặt trong giao dịch nếu lựa chọn được đơn vị thanh toán có uy tín. Trong khi cách làm truyền thống giới thiệu sản phẩm là phải chuyển hàng hóa sang tận nơi, những hàng mẫu này có thể mất hàng tháng mới có thể đến được các thị trường này nên dẫn đến chi phí cao và sản phẩm có thể giảm chất lượng.

Do vậy, việc áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh là một xu thế tất yếu của thời đại, và Việt Nam trong quá trình hội nhập cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển chung đó. Thực tế ở nước ta cũng cho thấy, không ít doanh nghiệp áp dụng thương mại điện tử cũng như tham gia vào sàn giao dịch thương mại điện tử đã mang lại những kết quả rất khả quan về kinh doanh của doanh nghiệp đó.
– Việc phát triển thương mại điện tử trong nước chưa phát huy hết tiềm năng, nguyên nhân là do đâu thưa Bà ?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhiễu: Thời gian qua, đã có rất nhiều các website về thương mại điện tử ra đời dưới hình thức doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với khách hàng hay khách hàng với khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu lập các website riêng để phục vụ cho việc tiếp thị, quảng bá bán hàng, hỗ trợ bán hàng cũng như tìm kiếm và mở rộng thị trường ra khắp thế giới. Tuy nhiên, thương mại điện tử ở Việt Nam chưa có những bước tiến dài do người tiêu dùng và cả doanh nghiệp chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của thương mại điện tử đem lại. Vì vậy, người tiêu dùng thì xem các trang bán hàng trên mạng chỉ dùng để tham khảo, còn doanh nghiệp thì làm cho có, chỉ lập trang web rồi thiếu cập nhật thông tin. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp bán những sản phẩm không đúng như đã quảng cáo trên website nên dẫn đến làm mất niềm tin của khách hàng. Đặc biệt, người dân hay có thói quen đến trực tiếp các cửa hàng bình thường để tận tay, tận mắt lựa chọn sản phẩm theo đúng ý của mình.

Thích dùng tiền mặt là tâm lý chung của của người Châu Á chứ không phải riêng Việt Nam. Đây là thói quen của người dân khi giao dịch mua bán hàng ngày. Việc thay đổi thói quen khi thương mại điện tử phát triển cần đòi hỏi thời gian. Theo đó, người mua cần có thời gian để trải nghiêm việc sử dụng thanh toán điện tử và từ đó quyết định sẽ dùng phương thức thanh toán nào hợp lý nhất. Tuy nhiên, thói quen này đã dần được thay đổi ở giới trẻ. Khi công nghệ ngày càng phát triển, nên giới trẻ có thể tiếp cận một cách nhanh chóng dễ dàng các hình thức thanh toán điện tử.

– Theo Bà những khó khăn của thanh toán điện tử hiện nay và cách khắc phục khó khăn cho vấn đề này ?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhiễu: Hiện nay, trong thanh toán điện tử, người bán phải đối mặt với rủi ro lớn nhất chính là tệ nạn sử dụng thẻ giả mạo. Trong giao dịch trực tuyến, người mua sẽ sử dụng các thông tin của thẻ để khai báo trên Internet. Giao dịch được cấp phép thành công, người bán nhận được tiền nhưng không có nghĩa là số tiền này có phải là chủ thẻ hay không. Nếu là giao dịch giả mạo, người bán sẽ bị đòi bồi hoàn từ ngân hàng. Để tránh rủi ro này, đơn vị chấp nhận thẻ phải áp dụng quy trình quản lý rủi ro để xác thực chủ thẻ chặt chẽ, giảm thiểu tỷ lệ chấp nhận các giao dịch giả mạo.

Người mua cũng có thể bị rủi ro mất cắp thông tin thẻ khi thực hiện thanh toán trên trang web giả mạo. Chủ thẻ nên lựa chọn những địa chỉ website uy tín và tin cậy. Chủ thẻ cũng có thể bị rủi ro nếu người bán không cung cấp hàng hóa, dịch vụ đúng như đã cam kết. Tuy nhiên, theo quy định của tổ chức thẻ quốc tế và ngân hàng phát hành, chủ thẻ có quyền khiếu nại yêu cầu đòi bồi hoàn nếu chủ thẻ không thực hiện giao dịch hoặc hàng hóa dịch vụ nhận được không đúng như cam kết của người bán.

– Xin cảm ơn bà !

Thanh Bình
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân