Trang chủ Tin tức

Những thủ tục hành doanh nghiệp
29/07/2016 01:25' Gửi bài này In bài này

Các Nghị quyết 19 của Chính phủ đều yêu cầu và đặt trọng tâm “cải cách toàn diện các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu”. Lý do, quản lý, kiểm tra chuyên ngành quá mức cần thiết đang là lực cản cơ bản đối với cải cách cải thiện chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới – 1 trong 10 chỉ số chủ chốt về môi trường kinh doanh, làm tăng chi phí bất hợp lý và tạo gánh nặng hành chính quá mức đối với DN. Tuy nhiên, theo Bộ KH-ĐT, thực tế cho thấy vẫn tồn tại khá nhiều vấn đề, khó khăn và vướng mắc của DN đã được phát hiện, phản ánh nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, nhưng vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc cho DN.

Bất cập dán nhãn năng lượng

Thông tư 07/2012/TT-BCT quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng. Mục đích dán nhãn năng lượng là để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, quy định và việc thực thi trên thực tế còn nhiều bất hợp lý, gây khó khăn, tốn kém cho DN và có thể chưa đạt được mục tiêu quản lý nhà nước. Cụ thể, có quy định tại thông tư trái với Luật Năng lượng; hồ sơ, giấy tờ quá nhiều, trong đó nhiều loại giấy tờ, DN nhập khẩu rất khó, thậm chí không thể đáp ứng  được; có thủ tục đưa ra không rõ ràng, không cụ thể, không hợp lý; xử lý thủ tục hành chính chủ yếu là thủ công.

Hàng trăm tỷ đồng cho kiểm tra formaldehyt

Do những bất cập trong quy định của Thông tư 32/2009/TT-BCT về kiểm tra hàm lượng formaldehyt trong sản phẩm dệt may, Nghị quyết 19/2015 đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư 32. Theo đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 37/2015/TT-BCT thay thế Thông tư 32. Tuy vậy, theo ý kiến của Hiệp hội Dệt may và một số DN có liên quan, Thông tư 37 chưa thực sự tạo thuận lợi, mà trái lại còn gây khó khăn, làm tăng thêm chi phí cho DN.

Thí dụ trong tháng 3 và tháng 4-2016, có DN dệt may nhập khẩu 96 hàng  mẫu, với trọng lượng và giá trị rất nhỏ. Có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị khoảng 100.000-200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt DN phải trả 2 triệu đồng, cao gấp 10-20 lần giá trị hàng mẫu. Nhìn xa hơn, suốt 7 năm áp dụng kiểm tra formaldehyt cho thấy chỉ có tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định, chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khỏe do hàm lượng formaldehyt cao quá mức quy định. Trong khi đó, 7 năm qua, DN phải trả hàng trăm tỷ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài.

Thủ tục xác nhận khai báo hóa chất trái luật

Khoản 11 Điều 1 Nghị định 26/2011/NĐ-CP và Thông tư 40/2011/TT-BCT quy định về “Xác nhận khai báo hóa chất” do Bộ Công Thương cấp. Bộ KH-ĐT khẳng định quy định này trái với Luật Hóa chất 2007. Luật này chỉ quy định DN phải khai báo, Bộ Công Thương quy định biểu mẫu khai báo, không có quy định yêu cầu phải có xác nhận khai báo đó của DN. Ngoài ra, quy định về “xác nhận khai báo hóa chất” không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, gây tốn kém chi phí cho DN, kéo dài thời gian thông quan trong trường hợp DN nhập khẩu hóa chất.

Từ năm 2015, phí xác nhận khai báo hóa chất 200.000 đồng/giấy xác nhận. Theo một khảo sát năm 2015 của Dự án GIG (USAID), mỗi năm Cục Hóa chất cấp khoảng trên 50.000 giấy xác nhận khai báo hóa chất, mất thời gian 1-3 ngày/lô hàng. Như vậy, việc xác nhận khai báo hóa chất theo quy định hiện hành đã làm DN tốn 50.000-150.000 ngày làm việc/năm và khoản chi phí chính thức khoảng 10 tỷ đồng.

Gánh nặng thủ tục kiểm dịch bông

Trong năm 2015, Việt Nam nhập khẩu trên 1 triệu tấn bông xơ, với khoảng 20 tấn/container, tổng cộng khoảng 50.000 container bông được nhập khẩu. Với tỷ lệ lấy mẫu kiểm dịch trung bình 35%, lượng container bông phải lấy mẫu kiểm dịch thực vật năm 2015 lên đến 17.000-18.000 container. Với mức chi phí kiểm dịch 1 triệu đồng/container, tổng chi phí kiểm dịch thực vật lên đến 17-18 tỷ đồng/ năm.

Theo Bộ KH-ĐT, đây là gánh nặng rất lớn về chi phí, nhân công và thời gian làm giảm sức cạnh tranh của DN. Trong khi đó, theo phản ánh của DN, thời gian qua tất cả lô bông nhập khẩu phải kiểm dịch thực vật không phát hiện ra sâu bọ, côn trùng hoặc mầm bệnh gây hại. Hơn nữa, bông sợi là một sản phẩm nông nghiệp đã qua quy trình chế biến công nghiệp, nhưng phải thực hiện kiểm dịch thực vật là điều vô lý.

Nhãn nguyên liệu nhập khẩu phải ghi tiếng Việt

Thời gian qua, một số DN thủy sản đã bị các đoàn kiểm tra quản lý thị trường xử phạt với lý do nguyên liệu thủy sản nhập khẩu (để chế biến xuất khẩu) lưu tại kho của DN chỉ có nhãn tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt. Bộ KHĐT cho rằng việc áp dụng ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với trường hợp này là không cần thiết, không hợp lý, bởi nếu nguyên liệu không lưu thông, tiêu thụ trong nước việc yêu cầu ghi nhãn phụ tiếng Việt không có ý nghĩa về quản lý nhà nước, lại phiền hà về thủ tục, tốn kém về thời gian và chi phí của DN.
Gia Song

Nguồn: http://www.saigondautu.com.vn/Pages/20160702/Nhung-thu-tuc-hanh-doanh-nghiep.aspx