Trang chủ Tin tức

Lấy ý kiến vào dự thảo VBQPPL: Cân bằng lợi ích cho mọi đối tượng
29/07/2016 08:17' Gửi bài này In bài này

Chưa mặn mà góp ý

– Ông đánh giá như thế nào về hoạt động tham vấn ý kiến đối với dự thảo VBQPPL của các bộ, ngành hiện nay cũng sự tham gia của người dân vào việc góp ý kiến xây dựng dự thảo?

– Thời gian qua, các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc quy định của về việc lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Kết quả của việc tổng hợp ý kiến đó cũng được các bộ, ngành tiếp thu, giải trình và thể hiện đầy đủ trong hồ sơ trình văn bản. Từ góc nhìn của Bộ Tư pháp, hồ sơ thẩm định văn bản đều bảo đảm yêu cầu về tổng hợp ý kiến giải trình, tiếp thu đối với các dự thảo văn bản. Tuy vậy, vẫn có ý kiến cho rằng, cách thức tham vấn nhiều khi chưa phù hợp, chưa đúng đối tượng, nội dung còn chung chung hoặc quá kỹ thuật hay thời điểm tham vấn muộn, thông tin chưa được cung cấp đầy đủ.

Thực tế cho thấy, mức độ tham gia đóng góp ý kiến của người dân, doanh nghiệp về dự thảo VBQPPL trên cổng thông tin của các bộ, ngành còn rất hạn chế. Tổ chức hội thảo, hội nghị là kênh tốt nhất để các bộ, ngành tiếp thu ý kiến đóng góp nhưng không phải ai cũng có điều kiện tham gia. Đáng nói là ngay cả người dân cũng chưa quan tâm tới sự thay đổi của thể chế, chính sách nên tham gia rất hạn chế. Không ít trường hợp văn bản được đăng tải nhưng không ai có ý kiến, đến khi quy định được ban hành xong, người dân mới giật mình khi thấy sự thay đổi trong quyền lợi và nghĩa vụ của mình.

– Các doanh nghiệp đã thực sự quan tâm tới hoạt động này chưa, thưa ông?

– Trước đây, các doanh nghiệp chưa quan tâm tới hoạt động lấy ý kiến vào dự thảo VBQPPL. Đến nay vị trí, vai trò của pháp luật ngày càng được khẳng định, có thể giúp doanh nghiệp tận dụng được thời cơ kinh doanh, tận dụng được chế độ ưu đãi và tránh được rủi ro về mặt chính sách. Do vậy, các doanh nghiệp đã rất tích cực đóng góp ý kiến, thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) hoặc các hội thảo, tọa đàm. Họ đặc biệt quan tâm tới những nội dung liên quan tới quyền và nghĩa vụ hay các thủ tục hành chính có thể cản trở hoạt động kinh doanh của họ.

Thế nhưng, cũng có trường hợp, tại nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo do bộ, ngành tổ chức có mời đại diện doanh nghiệp nhưng tiếng nói góp ý cũng rất hiếm hoi, khi được gọi mời phát biểu lại viện lý do không đúng chuyên môn. Rõ ràng, các doanh nghiệp lớn đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng dự thảo nhưng khối doanh nghiệp nhỏ và vừa – chiếm đa số, lại tham gia rất hạn chế.

Sẽ xử lý văn bản trái luật

– Nhiều doanh nghiệp phản ánh: họ đã góp ý nhưng không được bộ, ngành tiếp thu hoặc dự thảo đưa ra lấy ý kiến rất khác so với văn bản được ban hành?

– Doanh nghiệp chỉ là một trong rất nhiều chủ thể được đưa ra lấy ý kiến. Việc ban hành một VBQPPL đồng bộ, khả thi, hợp lý phải bảo đảm cân bằng lợi ích của đông đảo nhân dân trong đó có lợi ích của doanh nghiệp và nhiều chủ thể khác. Theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL 2015, tất cả các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức cá nhân như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay VCCI đều được tổng hợp tiếp thu, giải trình cụ thể. Báo cáo giải trình phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử cho các cơ quan, tổ chức biết lý do vì sao ý kiến của mình không được tiếp thu. Đó là điểm minh bạch về mặt chính sách giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu rằng từ góc nhìn của mình là như vậy nhưng nếu nhìn dưới góc độ lợi ích chung sẽ khác.

– Thực tế cũng có tình trạng dự thảo Thông tư khi đưa ra lấy ý kiến đã gặp phản ứng rất mạnh mẽ từ phía dư luận, Phải chăng, các bộ, ngành chưa chú trọng tới khâu soạn thảo văn bản, thưa ông?

– Đây cũng là điều hết sức bình thường bởi dự thảo khi mới ra đời có thể chưa bao quát hết lợi ích của số đông mà vẫn mang ý chí của chủ thể ban hành. Ngoài ra, cũng có những dự thảo dù đã cân nhắc tới lợi ích chung nhưng vẫn gặp sự phản ứng của một nhóm lợi ích, chưa hẳn đã đại diện cho đa số.

Công đoạn “dò đá qua sông” này cũng là một bước để nắm bắt dư luận, đánh giá tình hình thực tế bởi vì quá trình phân tích chính sách của các bộ, ngành nhiều khi được tiến hành ở góc độ khảo sát, điều tra nhưng ở phạm vi rất nhỏ và trong khuôn viên nghiên cứu không thể đại diện cho đa số. Do vậy, sự phản ứng của doanh nghiệp, người dân sẽ giúp cho cơ quan soạn thảo có thêm góc nhìn để tiếp tục cân nhắc hoàn thiện chính sách. Dĩ nhiên là văn bản chính sách ra đời có thể thay đổi so với dự kiến ban đầu.

– Theo một rà soát của VCCI, năm 2014 có tới gần 4.000 công văn có liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp trong đó có công văn có chứa quy phạm. Luật Ban hành VBQPPL 2015 có quy định gì để hạn chế được tình trạng này, thưa ông?

– Theo Luật Ban hành VBQPPL 2015, một văn bản có chứa quy phạm mà không được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục hay thẩm quyền, hình thức văn bản thì không được coi là VBQPPL và sẽ bị xử lý. Luật cũng quy định rõ những nội dung liên quan tới thẩm tra, thẩm định, góp ý với quy trình chặt chẽ. Việc này góp phần khắc phục được phần nào sai sót nhưng quan trọng nhất là phải tăng cường chất lượng hiệu quả kiểm tra xử lý VBQPPL. Bởi một quyết định hành chính cá biệt sai sót có thể chỉ ảnh hưởng tới một đối tượng nhưng một VBQPPL sai thì hậu quả sẽ rất lớn. Các doanh nghiệp phải chủ động thông tin về những công văn có chứa quy phạm, nếu nghiên cứu thấy có tác động và trái với quy định của Luật thì nên cung cấp thông tin cho các cơ quan kiểm tra văn bản để có biện pháp xử lý.

– Xin cảm ơn ông!

Đỗ Quyên thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân