Trang chủ Tin tức

Lấy cải thiện môi trường kinh doanh làm động lực tăng trưởng
27/07/2016 00:50' Gửi bài này In bài này
Các chuyên gia cho rằng, tác động rất tích cực vào phía cung chính là các biện pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp hiện nay mà Thủ tướng và toàn bộ Chính phủ hiện đang thực hiện. Trong các phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện triệt để quan điểm doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm, cắt giảm triệt để giấy phép con theo đúng tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; khẳng định, sự đổi mới này rất quan trọng đối với việc giải phóng sức sản xuất, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, loại bỏ tư duy cũ vốn đang kiềm chế sự phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.“Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn, các dư địa tăng trưởng về phía cầu hạn chế, cần tập trung thúc đẩy cung”, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nói.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, trong quý II cũng như trong nửa đầu năm 2016, có tới 30.700 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 16,6% so với quý II/2015. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, có 54.500 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký đạt 427,8 nghı̀n tỷ đồng. Số vốn đăng ký bı̀nh quân mỗi doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% .

Về ý tưởng huy động vàng trong dân, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, việc huy động vàng trong nền kinh tế đang góp phần tạo thêm bất ổn về tâm lý trên thị trường và nếu thực hiện, sẽ thu hẹp không gian chính sách khi bất ổn vĩ mô xảy tới. Và về dài hạn, theo đại diện VEPR, việc này đi ngược lại tiến trình chống vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế đang bắt đầu có hiệu lực trong nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Chính phủ mới kiện toàn đã đưa ra nhiều thông điệp thể hiện quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Ngày 16/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết 35 đã thể hiện tinh thần rất rõ đối với phát triển doanh nghiệp như bảo đảm quyền sở hữu, quyền bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các nguồn lực, hay việc khẳng định không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự đã có khích lệ rất lớn với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành cũng khá thận trọng cho rằng những tác động về phía cung này chắc chắn vẫn còn lực cản, do không ít bộ, ngành bị mất đi quyền cấp “giấy phép con”, chưa chắc đã hăng hái thực hiện ngay để có sự chuyển biến tức thì.

“Những chính sách đúng đắn nhưng để đi vào cuộc sống có thể có độ trễ, có thể sẽ có tác động tích cực rõ rệt hơn vào tình hình phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những năm tiếp theo”. Bên cạnh đó, cần thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực tư nhân tăng cường cạnh tranh bình đẳng.

Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm ở mức 5,82% khá thấp so với mục tiêu nhưng so với khu vực thì không phải là thấp. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng 6,7% cả năm thì dịp cuối năm phải tăng trưởng 7,6% là khá khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, các vấn đề kinh tế trước khi đưa ra giải pháp cần phải tìm ra nguyên nhân thật sự. Cụ thể, muốn thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, trước hết cần tìm ra các lý do cụ thể là gì, vấn đề từ phía nguồn tiền hay từ các dự án…

Thực tế, việc tái cơ cấu đầu tư công có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây, đặc biệt từ khi Quyết định số 1792 ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ được ban hành đã hạn chế phần nào việc đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả. Do đó, việc thúc đẩy đầu tư công để tăng trưởng cần hết sức cẩn trọng, chú ý đến tính hiệu quả của các dự án, phải bảo đảm tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế thực một cách lâu dài. Ngoài ra, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp khó khăn, xuất khẩu bị ảnh hưởng do giá thế giới giảm, cần tập trung phát triển khu vực dịch vụ bao gồm thương mại, du lịch.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh khai khoáng (dầu thô) trong bối cảnh giá cả thế giới thấp để đạt mục tiêu tăng trưởng cũng không phải là giải pháp lâu dài.
Huy Thắng
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ