Trang chủ Tin tức

Giao dịch bảo đảm: Khó xử lý tài sản bảo đảm
29/07/2016 01:12' Gửi bài này In bài này

Sự bị động của bên nhận bảo đảm

Pháp luật hiện hành chưa tạo lập được những đảm bảo pháp lý cần thiết để bên nhận bảo đảm có thể chủ động và đơn phương xử lý tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự năm 2005 mới chỉ ghi nhận quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm trong trường hợp bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ.

Cụ thể, trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố, thế chấp được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ (Điều 336, Điều 355).

Mặc dù, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm bước đầu đã có quy định về cơ chế thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 63). Tuy nhiên, thực tiễn 10 năm thi hành Nghị định này cho thấy, do chỉ dừng ở mức độ quy định của Nghị định hướng dẫn thi hành nên hiệu quả của quy định này không cao.

Khó nhất cho các tổ chức tín dụng là những trường hợp sau khi thực hiện giao dịch bảo đảm tại tổ chức tín dụng, bên bảo đảm bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị điều tra, truy tố, xét xử và cơ quan tiến hành tố tụng xác định tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự.

Theo đó, việc xử lý tài sản là vật chứng được quy định tại Điều 106 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 (gần đây bị dời thời hạn hiệu lực thi hành) thì được xử lý tùy vào đặc tính của tài sản. Chẳng hạn, vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; hay vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước… Vậy, trong trường hợp tài sản bảo đảm là vật chứng thì cơ chế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp của bên nhận bảo đảm. Đây là khoảng trống pháp lý gây bất lợi cho các tổ chức tín dụng.

Thiếu sự hỗ trợ khi xử lý tài sản

Hiện nay, việc xử lý tài sản bảo đảm chưa có được sự hỗ trợ cần thiết và đầy đủ từ các quy định của pháp luật khác có liên quan. Trong khi thực tiễn cho thấy, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm rất cần sự hỗ trợ từ chính các quy định và sự hoạt động chuyên nghiệp của tổ chức đấu giá và tổ chức định giá bán tài sản. Tuy nhiên, hoạt động định giá chưa mang tính phổ biến và chuyên nghiệp nên việc xác định giá bán tài sản bảo đảm gặp nhiều khó khăn, thậm chí phát sinh nhiều tranh chấp, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý tài sản bảo đảm. Hơn nữa, tâm lý ngại mua tài sản thế chấp cũng đang là một rào cản không nhỏ trong việc xử lý nợ xấu. Đó là chưa tiện bàn sâu về việc không ít việc tổ chức định giá, đấu giá “lợi dụng” tâm lý đó để dìm hàng, xuống giá tài sản bảo đảm. Chính vì thế, không ít tài sản đem ra đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, đấu giá thành công rồi, không đủ trả các chi phí cần thiết, thành thử các tổ chức tín dụng cũng không mặn mà.

Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Thị Phương nêu một thực tế khác, mặc dù Khoản 5, Điều 63 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP quy định tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ. Tuy nhiên, việc này gặp rất nhiều khó khăn do đa số các trường hợp phải xử lý tài sản bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm chống đối, bất hợp tác. Trong khi đó, Khoản 5 Điều 63 chỉ quy định cơ quan nhà nước có nhiệm vụ “giữ gìn an ninh trật tự” chưa có biện pháp đủ mạnh hỗ trợ tổ chức tín dụng thu giữ tài sản, dẫn đến việc thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm kéo dài, tốn rất nhiều thời gian, kinh phí. Đây cũng là vấn đề hết sức tế nhị đối với chính quyền địa phương, bởi khi có một vụ việc liên quan đến thu giữ tài sản (bất động sản) thì ưu tiên số 1 của chính quyền vẫn là vấn đề bảo đảm an ninh trật tự, sự bình yên cho người dân, chứ chưa phải là việc bảo đảm quyền lợi cho người thứ 3.
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử