Trang chủ Tin tức

Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bánh ngân sách sẽ chia cho ai?
29/07/2016 01:16' Gửi bài này In bài này

Sẽ có cơ quan điều phối kinh phí hỗ trợ

Mô hình cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không phải đến Dự thảo Luật này mới được định hình. Hiện nay, Hội đồng Khuyến khích phát triển DNNVV đã được thành lập và hoạt động theo Nghị định 56/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV. Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoa Cương, hội đồng này chưa thực sự hiệu quả, chưa thể hiện được vai trò điều phối hoạt động hỗ trợ DNNVV giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong hội đồng này chưa tích cực.

Trên cơ sở kế thừa mô hình hoạt động của Hội đồng Khuyến khích phát triển DNNVV, Dự thảo Luật quy định chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Phát triển DNNVV quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Hội đồng này không chỉ giữ vai trò tư vấn chính sách phát triển doanh nghiệp, mà còn giữ vai trò định hướng chung về chính sách, chương trình, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, hội đồng cũng sẽ giữ vai trò điều phối chung và cân đối kinh phí hỗ trợ DNNVV. Cơ quan thường trực của hội đồng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh quy định về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Phát triển DNNVV, cũng như của các bộ, ngành liên quan, Dự thảo Luật quy định thêm về vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp. Theo đó, tổ chức, hiệp hội đại diện có vai trò bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp thành viên, phản biện chính sách liên quan, tham gia thực hiện các kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Dự thảo Luật cũng quy định, các tổ chức, hiệp hội đại diện cho DNNVV có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cung cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành… Theo ông Nguyễn Hoa Cương, cần bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ công, dịch vụ hỗ trợ… vì dù các hiệp hội đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp, song vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng của xã hội.

Có nên ấn định cơ quan chủ trì?

 Dự thảo Luật phải lượng hóađược nội dung hỗ trợ DNNVV theo hướng càng chỉ rõ những việc hỗ trợ thường xuyên cụ thể càng tốt, đồng thời đưa ra cách thức hỗ trợ. Ví dụ như quy định rõ hỗ trợ thông qua các quỹ sẽ như thế nào? Thông qua ngân hàng thương mại như thế nào? Các Ban quản lý khu công nghiệp sẽ hỗ trợ mặt bằng ra sao? Nếu trong trường hợp chưa cụ thể được, thì nên có quy định giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam

Các chuyên gia tán thành việc thành lập cơ quan điều phối kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp (Hội đồng Phát triển DNNVV). Nhưng điều khiến nhiều chuyên gia và hiệp hội băn khoăn nhất là việc ấn định đơn vị thực hiện các chương trình mục tiêu này, hay nói cách khác là chọn cơ quan được sử dụng ngân sách nhà nước, vì các chương trình mục tiêu đều chủ yếu lấy kinh phí thực hiện từ ngân sách. Theo Dự thảo Luật, sẽ có các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, chẩn đoán và tư vấn nâng cao năng lực sản xuất, phát triển cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì); hỗ trợ hội nhập (Bộ Công thương chủ trì);  hỗ trợ đổi mới, sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì).

Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Tô Hoài Nam cho rằng, để các chương trình hỗ trợ mục tiêu thực sự như một lực đẩy, bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển, thì nên tạo cơ chế thông thoáng cho các bộ, ngành, các thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh) và tổ chức đại diện chủ động lập đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ mục tiêu trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Các chương trình mục tiêu trình Thủ tướng phê duyệt sẽ ghi cơ quan nào chủ trì, cơ quan nào phối hợp. Nếu quy định theo hướng này, theo ông Tô Hoài Nam, thay vì tập trung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, thì Dự thảo Luật chỉ nên quy định về thủ tục, trình tự lập đề án xây dựng các chương trình mục tiêu. Đồng thời, quy định rõ vai trò của Hội đồng Phát triển DNNVV trong việc thẩm tra đề án chương trình mục tiêu này.

Có thể thấy, đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hay từ phía các hiệp hội thực chất chỉ xoay quanh vấn đề chiếc bánh ngân sách sẽ chia cho ai. Nhưng trước khi đi đến quyết định cuối cùng cần làm rõ, quy định theo hướng chỉ trao quyền cho các bộ, ngành, hay mở rộng cho các tổ chức đại diện và địa phương có phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước (sẽ có hiệu lực từ năm 2017), cũng như các luật liên quan không? Và quan trọng là phải rà soát các quy định hiện hành để bảo đảm sẽ quy trách nhiệm được nếu ngân sách không được sử dụng hiệu quả, gây lãng phí. Không thể để tình trạng cha chung không ai khóc, hay giao cho nơi chưa có cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm.

Thanh Hải
Nguồn: Báo Người đại biểu nhân dân điện tử