Trang chủ Tin tức

Doanh nghiệp còn kêu khó về thủ tục hải quan
29/07/2016 01:24' Gửi bài này In bài này

Ông Đinh Công Khương, Chủ tịch HĐQT Công ty thép Khương Mai cho biết, vướng mắc trong nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ngành thép là thẩm định giá. Theo đó, cùng nhập một lô hàng thép có chất lượng như nhau, nhưng giá mua của mỗi doanh nghiệp khác nhau, chênh lệch khoảng 30 USD/tấn là chuyện bình thường. Nhưng, bất thường là ở chỗ, lô hàng nào của doanh nghiệp nhập về, dù cùng chất lượng vẫn bị thẩm định giá, kiểm tra chất lượng nên làm mất thời gian, tăng chi phí cho doanh nghiệp và cả cơ quan hải quan. Do đó, ông Khương đề xuất, hải quan nên kiểm tra theo xác suất và theo dõi sát giá cả trên thế giới để kiểm chứng với mức giá của doanh nghiệp cho phù hợp.

Theo một số doanh nghiệp, hiện nay vẫn còn tình trạng cơ quan hải quan và doanh nghiệp hiểu khác nhau trong trường hợp “không chứng minh được” khi nhập thừa hoặc nhầm hàng.

Trao đổi tại buổi tham vấn ý kiến doanh nghiệp do Tổng cục Hải quan phối hợp với với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, Luật Hải quan không hạn chế việc cho phép khai bổ sung; Luật Thương mại cũng không hạn chế việc chấp nhận hàng gửi thừa, gửi nhầm, nếu bên nhận chấp nhận việc sai sót của bên gửi và hai bên thoả thuận lại về việc thanh toán. Để hạn chế việc người khai hải quan lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm, những trường hợp đúng là gửi nhầm, gửi thừa và được hai bên thoả thuận chấp nhận thì vẫn cho khai báo; những trường hợp không chứng minh được đó là gửi nhầm, gửi thừa và cơ quan hải quan có căn cứ xác định hành vi buôn lậu, gian lận thương mại thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại diện Công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, quy định hiện hành về hàng hóa trung chuyển giữa các cảng biển, hàng đóng ghép container quá cảnh nhập khẩu có thời hạn quá ngắn, không đủ thời gian để phân tích thông tin về hàng hóa, đánh giá rủi ro để có biện pháp xử lý kịp thời.

Về việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp cho rằng, quy định tại khoản 1 Điều 33, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về việc nhiều bộ quản lý chuyên ngành phải có ý kiến đối với một loại hàng hóa nhập khẩu là gây khó cho doanh nghiệp khi đăng ký hải quan, thông quan hàng hóa.

Ông Lê Đình Giàu, đại diện Công ty Thăng Long nêu ý kiến, trong việc tiếp nhận và xử lý tờ khai, cần quy định rõ thời gian xử lý tờ khai vàng/đỏ qua hệ thống hải quan. Theo đó, cơ quan Hải quan cần chủ động xử lý các tờ khai luồng vàng/đỏ của doanh nghiệp, chứ không chờ doanh nghiệp nộp giấy, nộp tiền, kiểm tra tiền vào tài khoản mới thực hiện.

“Thời hạn xác định mã số hồ sơ sản phẩm của doanh nghiệp từ 30 – 60 ngày là quá dài, do đó, nên chuyển quyền kiểm tra mã hồ sơ sản phẩm tới các Cục Hải quan địa phương thay vì Tổng cục Hải quan như hiện nay”, ông Giàu kiến nghị.

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đang chủ trì soạn thảo nghị định thay thế cho Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Dự thảo nghị định mới gồm 19 chương và 228 điều nhằm duy trì các quy định đã thực hiện ổn định tại Nghị định số 08, nâng tầm các thủ tục hành chính đã thực hiện ổn định ở các thông tư có quy định về thủ tục hải quan. Dự thảo cũng bổ sung một số quy định mới hoặc sửa đổi những quy định còn bất cập, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Hải quan 2014 nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, đồng thời đơn giản hóa cải cách thủ tục hành chính.

Hồng Sơn
Nguồn: http://baodautu.vn/doanh-nghiep-con-keu-kho-ve-thu-tuc-hai-quan-d47719.html