Trang chủ Tin tức

Diễn đàn: Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự – Thống nhất và đồng bộ hơn trong áp dụng luật
29/07/2016 08:15' Gửi bài này In bài này

– Với quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi), hệ thống pháp luật nước ta một lần nữa khẳng định quan điểm không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự. Vấn đề còn lại là khâu thực thi, thưa ông?

 Hiện nay, tội phạm kinh tế diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, với những thủ đoạn, phương thức cực kỳ tinh vi. Việc đánh giá hành vi vi phạm pháp luật, thu thập chứng cứ đối với tội phạm nói chung đã là khó khăn, nhưng tội phạm kinh tế còn có những phức tạp riêng. Ngoài việc liên quan đến định tội danh đó là phạm tội gì, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải đấu tranh với các quan điểm khác nhau khi giải quyết một vụ án cụ thể. Ranh giới giữa tội phạm hình sự với giao dịch dân sự là khó tách bạch, dễ dẫn tới có những vụ nhỏ, giao dịch dân sự thông thường, phổ biến trong dân thì bị hình sự hóa. Có những giao dịch lớn nhiều tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng có dấu hiệu tội phạm hình sự rõ ràng, yếu tố chây ỳ không trả nợ, thậm chí có dấu hiệu, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng không bị khởi tố và xử lý về mặt hình sự.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến

– Để thực thi tốt quy định về việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giải pháp căn bản nhất là cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng những điều luật trong Bộ luật Hình sự còn chưa rõ ràng, thường xuyên bị hình sự hóa các giao dịch dân sự trong thời gian qua. Đồng thời, hoàn thiện những điểm còn bất cập trong quy định của pháp luật về dân sự, kinh tế, thương mại, đặc biệt là trong khâu thi hành án dân sự nhằm xóa bỏ tâm lý của người dân là cứ có khoản nợ khó đòi là tìm đến biện pháp nhờ vả, dùng “biện pháp mạnh” là xử lý hình sự để dễ đòi và đòi nhanh.Mặt khác, việc áp dụng pháp luật phải hướng tới sự thống nhất và đồng bộ hơn giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người dân cũng phải bình đẳng và nhận thức như nhau. Muốn vậy công tác hướng dẫn luật và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cần được chú trọng hơn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực thi và tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật về tố tụng hình sự.

Đồng thời, nên sớm nghiên cứu xây dựng cơ chế bồi thường thỏa đáng và kịp thời cho những doanh nghiệp, cá nhân bị oan sai do bị hình sự hóa (có tính đến những thiệt hại/tổn thất về cơ hội kinh doanh, thu nhập…). Nhà nước cũng cần có những quy định xử lý thật nghiêm trường hợp cán bộ trong những cơ quan tố tụng (đương chức hoặc đã nghỉ hưu) đã gây ra vụ việc hình sự hóa các quan hệ kinh doanh, thương mại; chịu trách nhiệm bồi thường cá nhân hoặc thậm chí xử lý hình sự để bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật.

– Doanh nghiệp có thể chủ động phòng, tránh việc bị hình sự quan hệ kinh tế, dân sự không, thưa ông?

– Về phía doanh nghiệp, cần chủ động phòng, tránh việc bị hình sự hóa quan hệ kinh tế bằng cách sử dụng tư vấn pháp lý (chuyên viên/nhân viên pháp chế doanh nghiệp, luật sư…). Đặc biệt, từ ngày 1.7.2016, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, doanh nghiệp khi bị xác minh đơn thư tố cáo vi phạm pháp luật hình sự thì có quyền nhờ luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Theo đó, ngay khi nhận được giấy mời làm việc của cơ quan điều tra, họ có quyền nhờ luật sư đi cùng để hỗ trợ về mặt pháp lý. Đây là điểm rất mới của luật nhằm chống lại hiện tượng bị hình sự hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại, hạn chế rủi ro có thể tránh được cho bản thân và doanh nghiệp mình khi gặp phải sự cạnh tranh không lành mạnh, hoặc bị tố cáo là vi phạm pháp luật hình sự khi họ vẫn đang hoạt động kinh doanh bình thường, đúng pháp luật.

 – Trong vấn đề này, luật sư có vai trò như thế nào, thưa ông?

– Luật sư có vai trò quan trọng và hữu ích giúp các doanh nghiệp không những tham gia vào các giao dịch kinh tế – dân sự có hiệu quả, thu được lợi nhuận, hạn chế rủi ro, mà luật sư còn có sứ mệnh góp phần chống lại các hiện tượng hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự ngay từ giai đoạn tiền khởi tố và trong các giai đoạn tố tụng. Lẽ dĩ nhiên sự tham gia của luật sư càng sớm, càng có lợi cho doanh nghiệp.

Nhưng bên cạnh đó, luật sư cũng có vai trò góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, kiên quyết chống lại các hành vi có dấu hiệu tội phạm làm xấu đi tình hình phát triển kinh tế của doanh nghiệp và của xã hội. Với tư cách luật sư, chúng tôi vẫn luôn khẳng định vai trò và chức năng của pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén và hữu hiệu trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần vào công cuộc bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và của nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay khi có nhiều thủ đoạn tinh vi phá hoại nền kinh tế và xâm phạm đến trật tự chung thì pháp luật hình sự vẫn là công cụ quan trọng để góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, tích cực loại bỏ những yếu tố cản trở tiến trình đổi mới, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

– Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân