Trang chủ Góp ý văn bản

Ba bất cập trong Luật Doanh nghiệp hiện hành
04/03/2015 08:40' Gửi bài này In bài này
Đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập thị trường là yêu cầu cấp bách

Khoản 8, Điều 2, Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo các hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao – khai thác (BTO) và xây dựng – chuyển giao (BT) quy định: doanh nghiệp BOT là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập để thiết kế, xây dựng, vận hành, quản lý công trình dự án và để thực hiện dự án khác.

Trong thực tế, các dự án BOT chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện và tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp BOT thường chiếm đa số.

Theo quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ngày 1/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã thành lập tại Việt Nam dự định thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam thực hiện theo quy định như sau: trường hợp doanh nghiệp mới do doanh nghiệp có trên 49% vốn điều lệ là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thành lập hoặc tham gia thành lập, thì phải có dự án đầu tư và thực hiện đăng ký đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về đầu tư…

Để có được dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện một loạt thủ tục liên quan trước đó, như khảo sát, thuê tư vấn lập nghiên cứu khả thi, trình nghiên cứu khả thi lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt…

Thực hiện các thủ tục đó, nhà đầu tư cần thành lập doanh nghiệp để có văn phòng làm việc, có bộ máy giúp việc, ký các hợp đồng và thanh toán chi phí cho người lao động, chuyên gia, đơn vị tư vấn… Tuy nhiên, nhà đầu tư không thể thành lập doanh nghiệp do vướng phải quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP.

Như vậy, mặc dù Điều 12, Nghị định số 102/2010/NĐ-CP quy định về quyền thành lập doanh nghiệp, nhưng nội dung quy định điểm a, Khoản 4 của điều này lại hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điều này dẫn đến hệ lụy là cản trở thu hút đầu tư trong nước, hạn chế quyền của nhà đầu tư khi hợp tác thành lập doanh nghiệp BOT.

Trước thực tế đó, chúng ta cần có những quy định thông thoáng và cởi mở hơn, nhằm tạo môi trường kinh doanh và đầu tư hấp dẫn, trong đó, Luật Doanh nghiệp là một trong những văn bản pháp luật quan trọng cần được sửa đổi, hoàn thiện để tranh thủ thu hút đầu tư nước ngoài.

Bất cập trong việc chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp

Cùng là quy định về việc chứng minh năng lực tài chính của doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư, nhưng các địa phương đang áp dụng những quy định khác nhau.

Ví dụ, Công ty A thành lập Công ty TNHH một thành viên (Công ty con) để đầu tư dự án bất động sản. Vì Công ty con mới được thành lập và thuộc sở hữu 100% vốn của Công ty A, nên khi làm thủ tục cấp phép đầu tư dự án, để chứng minh năng lực tài chính thực hiện dự án của Công ty con, theo quy định của tỉnh Bình Thuận và tỉnh Hòa Bình, Công ty con chỉ phải nộp Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm gần nhất của Công ty A.

Tuy nhiên, theo quy định của TP. Hà Nội, khi làm thủ tục cấp phép đầu tư dự án, để chứng minh năng lực tài chính thực hiện dự án, Công ty con phải nộp các hồ sơ liên quan, trong đó có Báo cáo tài chính của Công ty con đã được kiểm toán (mặc dù Công ty con mới thành lập được vài tháng).

Lý do phải có Báo cáo tài chính của Công ty con đã được kiểm toán mà Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đưa ra là nhằm chứng minh Công ty con có đủ vốn pháp định để đầu tư dự án. Trong khi đó, tại thời điểm nộp hồ sơ cấp phép đầu tư, số dư tài khoản của Công ty con đã đảm bảo số vốn đầu tư theo quy định và Công ty con cũng đã cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội văn bản xác nhận số dư tài khoản tại ngân hàng, nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không chấp nhận, tức là vẫn yêu cầu phải có Báo cáo tài chính của Công ty con đã được kiểm toán.

Thiết nghĩ, quy định như trên của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội không sai, nhưng rõ ràng là rất máy móc và hình thức, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, cần phải có quy định pháp luật để áp dụng một cách thống nhất, tránh tình trạng các địa phương quy định và áp dụng khác nhau như hiện nay.

Bất cập liên quan đến đăng ký ngành nghề kinh doanh

Việc doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hiện hành đang gặp không ít phiền toái. Theo quy định, việc ghi tên ngành nghề trong đăng ký kinh doanh phải theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, trong khi nhiều ngành nghề doanh nghiệp muốn đăng ký lại không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và pháp luật chuyên ngành cũng không có quy định cụ thể, hoặc có quy định, nhưng tên ngành không được đăng ký theo như mong muốn của doanh nghiệp.

Ví dụ, với trường hợp doanh nghiệp muốn đăng ký kinh doanh ngành nghề “sản xuất điện từ rác thải” (hay còn gọi là điện rác), luật chuyên ngành chỉ quy định chung là hoạt động điện lực (gồm sản xuất, truyền tải, phân phối điện…), chứ không quy định cụ thể như mong muốn của doanh nghiệp là “sản xuất điện từ rác thải”.

Còn căn cứ theo Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam (quy định trong Quyết định số 337/QĐ-BKH ngày 10/4/2007 của Bộ KH&ĐT), thì chỉ có ngành nghề mang mã 3821 – 38210: Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại. Theo đó, nhóm này gồm việc xử lý trước khi tiêu hủy và xử lý khác đối với các chất thải rắn và không rắn không độc hại, như tiêu hủy rác thải không độc hại bằng cách đốt cháy hoặc thiêu hủy hoặc bằng các phương pháp khác có hoặc không có dẫn đến sản xuất điện hoặc hơi nước, các nhiên liệu thay thế, khí đốt sinh học, tro hoặc các sản phẩm cho mục đích sử dụng khác… Trong trường hợp này, để được hoạt động với ngành nghề “sản xuất điện từ rác thải”, doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề với cái tên không mong muốn là “3821 – 38210: Xử lý và tiêu hủy rác thải không độc hại”.

Như vậy, vô hình trung, việc bắt buộc ghi tên ngành nghề đăng ký kinh doanh theo mã ngành đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, vi phạm nguyên tắc doanh nghiệp được quyền chủ động lựa chọn ngành nghề kinh doanh.

Liên quan đề xuất bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, việc này sẽ dẫn tới khó khăn cho công tác hậu quản lý. Cụ thể, để kiểm tra doanh nghiệp có kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay không, thì thay vì đối chiếu với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra sẽ phải tổng hợp, kiểm tra để đối chiếu với các quy định của luật chuyên ngành.

Nếu doanh nghiệp chỉ kinh doanh một vài ngành nghề, thì công tác kiểm tra còn đơn giản, nhưng nếu doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề, thì việc kiểm tra sẽ khá khó khăn.

Chưa kể, nếu cơ quan kiểm tra là cơ quan thuế, thì cơ quan này không thể nắm hết được quy định của các luật chuyên ngành như cơ quan đăng ký kinh doanh để có thể khẳng định doanh nghiệp có kinh doanh đúng quy định hay không.

Do vậy, cần cân nhắc, không nên bỏ hết, mà nên ghi các ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm việc với các đối tác và cơ quan có thẩm quyền ở trong nước cũng như nước ngoài.

Với một số bất cập nêu trên, có thể thấy, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp hiện hành là cần thiết và cấp bách, nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.